Theo hãng tin NBC, siêu trăng thứ 2 trong năm nay, và cũng là siêu trăng lớn nhất sẽ xuất hiện từ ngày 13/7 (giờ địa phương), kéo dài trong 3 ngày.

Cụ thể, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, siêu trăng tháng 7 hay còn gọi là "trăng hươu" bắt đầu có thể quan sát được từ ngày từ chiều ngày 13/7, pha trăng tròn sẽ diễn ra sau khoảng 9 giờ đồng hồ. Siêu trăng sẽ đạt đỉnh khi Mặt trăng ở đúng cận điểm và nhiều quốc gia trên thế giới có thể ngắm được thời điểm trăng lớn và sáng nhất trong năm này.

Siêu trăng xuất hiện trong tháng 6/2022. Ảnh: AP

"Siêu trăng sẽ xuất hiện đầy đủ từ thứ Tư tới thứ Sáu tuần này. Xuyên suốt thời gian này, Mặt trăng sẽ sáng hơn bình thường 30%, đây cũng là siêu trăng lớn nhất trong năm nay", NASA cho biết.

Trong năm nay, sẽ có 3 lần siêu trăng xuất hiện, lần đầu tiên là "trăng dâu tây" vào tháng 6, lần thứ hai là "trăng hươu" vào tháng 7, và lần cuối cùng trong tháng 8.

Thực tế, siêu trăng vốn không phải là một thuật ngữ thiên văn chính thống, mà gần như một dạng biệt danh được các nhà khoa học đặt cho các lần trăng tròn to bất thường.

Việt Dũng