Trung Quốc bị thúc ép tiến xa hơn về phía Biển Đông vì lý do địa lý, lịch sử, tài nguyên và một ham muốn rõ ràng là được kiểm soát các tuyến SLOCs quan trọng đối với chính họ - các hải trình tại eo biển hẹp Malacca hay Lombok, Makassar và Sunda đều đang ngày càng dễ bị tổn thương.
Trên thực tế, nếu eo biển Malacca bị đóng dù chỉ một ngày, sự gián đoạn nguồn cung năng lượng sẽ có thể gây rối loạn xã hội tại Trung Quốc, theo một quan chức có tiếng nói trong Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA). Tính dễ bị tổn thương của eo biển này khiến Trung Quốc quan tâm tới các hải trình thay thế để vận chuyển năng lượng và các hàng hóa khác.
Sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc, đến mức một lực lượng hải quân phòng thủ biển xa sắp ra đời, đang đặt ra nguy cơ bất chắc về trật tự tương lai ở Đông Á. Chiến lược của Mỹ có từ chiến tranh thế giới thứ nhất, và đặc biệt là trong chiến tranh Lạnh, tập trung vào đề phòng bất cứ cường quốc đơn lẻ nào đứng lên chế ngự đại lục Á - Âu. Tuy nhiên, khi sức mạnh kinh tế và quân sự chuyển từ phía Tây sang cực Đông của Á - Âu - bằng chứng là cuộc khủng hoảng đồng euro và sự thu hẹp ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu - một Trung Quốc mạnh hơn sẽ chắc chắn tìm cách thể hiện chủ nghĩa dân tộc, quyền lịch sử và nhu cầu kinh tế và tài nguyên thông qua gia tăng sức mạnh hải quân.Ngược lại, sức mạnh hải quân của Trung Quốc có thể dễ dàng tập trung vào biển Đông, nơi hợp dòng của hai đại dương là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng muốn xây dựng một lực lượng hải quân biển xa nhằm giúp đảm bảo các tuyến SLOCs của mình ở mọi hướng xung quanh vùng ven biển Á - Âu tới vùng sừng châu Phi. Khó mà tin rằng ham muốn giành quyền kiểm soát các tuyến SLOCs trên biển của Trung Quốc không liên quan gì đến mối đe dọa đối với quyền tự do hàng hải.
Trung Quốc có những động lực mạnh, bao gồm các lý do lịch sử hợp pháp, để bảo vệ các tỉnh duyên hải giàu có ven biển Đông, nơi chiếm một nửa diện tích duyên hải của nước này. Sự giàu có thịnh vượng của các tỉnh này phụ thuộc vào sự an toàn của các hải trình trên biển Đông mà Trung Quốc chắc chắn có quyền bảo vệ. Hơn nữa, đại đa số năng lượng và hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đi qua biển Đông, và biển cũng chứa trong lòng nó những kho cá dồi dào, các mỏ khí hydrocarbons và khoáng sản. Chính sự giàu có tiềm ẩn này đã trở thành động lực cho các yêu sách của Trung Quốc.
Trung Quốc dẫn đầu khu vực về hiện đại hóa vũ khí, dù họ tìm cách giữ vẻ ngoài bình lặng. Tàu ngầm của Trung Quốc chạy bằng điện diesel, trong khi tàu ngầm Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các tàu chạy bằng điện diesel thường không gây ồn và thích ứng tốt hơn với các vùng biển đông đúc và âm u như vùng duyên hải Đông Á. Trung Quốc có hơn 60 tàu ngầm và sẽ có khoảng 75 chiếc trong vài năm tới, nhiều hơn của Mỹ một chút (và chỉ 55% tàu ngầm của Mỹ được đóng tại Thái Bình Dương). Theo hai chuyên gia về hải quân, Trung Quốc đã "vượt Mỹ về số tàu ngầm mới, ở mức 4-1 từ năm 2000 và 8-1 từ năm 2005, trong khi các lực lượng chiến tranh chống tàu ngầm của hải quân Mỹ đã suy giảm.
Các chuyên gia bình luận và giới chức Trung Quốc phủ nhận mọi ác ý liên quan đến Mỹ tại biển Đông và hát lại điệp khúc thường nghe thấy rằng suy nghĩ được ăn cả ngã về không đó đã lỗi thời. Nhưng dù chiến tranh Lạnh đã đi vào dĩ vãng, nền chính trị sức mạnh lại không phải như vậy. Sự phủ nhận trên che giấu các lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Dù Trung Quốc trong lịch sử từng là một cường quốc lục địa hướng vào trong lục địa Á - Âu, nhưng nước này đang ngày càng trở thành một cường quốc hải quân, một xu hướng được tạo điều kiện bởi thành công của Trung Quốc trong việc hóa giải căng thẳng tại nhiều đường biên giới trên bộ của mình.
Trong ba thập kỷ trước, lực lượng Hải quân của PLA đã lớn mạnh từ một lực lượng phụ trợ, chuyên hỗ trợ các chiến dịch lưỡng cư chống Đài Loan, tới một lực lượng phòng thủ bờ biển và thành một lực lượng hải quân biển xa nhằm đuổi các lực lượng hải quân nước ngoài ra khỏi các "vùng biển gần" của mình.
Các nguồn tài nguyên và hàng hóa của Trung Quốc được vận chuyển chủ yếu qua các đại dương, và ít nhất về điểm này, địa lý dường như là số phận. Vì hầu hết các nước trong khu vực phụ thuộc vào Trung Quốc để phát triển kinh tế và thương mại, nên hầu hết đều muốn thận trọng hơn trong cách đối xử với Bắc Kinh, và sẽ cố gắng tin vào các ý định tốt lành của Trung Quốc.
Sức mạnh của Trung Quốc không thuần túy là một vấn đề nhiều tàu ngầm hơn hay các phương tiện quân sự mới, mà còn dựa vào sức nặng dân số, sự chế ngự về kinh tế và vị trí trung tâm về địa lý của nước trong khu vực. Trung Quốc sẽ hăm hở thúc đẩy các quan hệ của mình tại biển Đông để tạo dựng tầm vóc một cường quốc bá chủ và khai thác sự nhượng bộ hoặc các điều kiện thuận lợi.
Mặt khác, các quốc gia càng hướng tới Trung Quốc thì họ sẽ càng muốn chống lại sức mạnh của nước này. Dù Trung Quốc cố gắng dùng sức mạnh cứng một cách mềm dẻo (ví dụ bằng cách dùng lực lượng thực thi luật pháp dân sự thay vì sức mạnh hải quân để hỗ trợ cho các yêu sách biển ở biển Đông), nhưng các nước láng giềng đôi khi chùn bước trước ngay cả sức mạnh mềm của Trung Quốc dưới dạng thương mại, hỗ trợ và hợp tác.
Những năm gần đây cho thấy hầu hết các nước trong khu vực đều muốn duy trì sự hiện diện của các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ như một mạng lưới đảm bảo an toàn. Nhưng đồng thời họ không muốn chứng kiến Mỹ căng thẳng với Trung Quốc, vì vậy ngay sau khi Mỹ mới chỉ "giương cơ" một chút, khu vực đã dấy lên những bàn tán quanh câu hỏi phải chăng Mỹ đang xúi giục một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Giới chức Trung Quốc đang tìm cách khai thác tâm trạng giằng xé này bằng những biện pháp trấn an ngoại giao thường xuyên hơn, bên cạnh các nỗ lực khẳng định đòi hỏi của mình. Trung Quốc sẽ muốn tránh mọi hành động ngăn chặn sự nổi lên của nước này.
Ngoài yếu tố địa lý, có một nguyên nhân khác sâu xa hơn đẩy Trung Quốc hướng ra biển Đông và tới các bờ biển của Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và Indonesia. Nếu không hiểu những gì đã xảy ra tại Trung Quốc trong 150 năm trở lại đây, người ta sẽ không thể hiểu điều gì thúc đẩy Trung Quốc ngày ngay phải hướng ra biển Đông.
Vào thế kỷ 19, khi nhà Thanh suy yếu ở Đông Á, Trung Quốc đã mất rất nhiều đất đai - mất các chư hầu phía Nam cho Nepal và Myanmar cho Anh; mất Đông Dương cho Pháp; mất Đài Loan và các chư hầu Hàn Quốc, và Sakhalin cho Nhật Bản; mất Mông Cổ, Amuria và Ussuria cho Nga. Vào thế kỷ 20, xảy ra vụ đánh chiếm đẫm máu của Nhật Bản giành bán đảo Sơn Đông và Mãn Châu ở ngày trái tim của Trung Quốc. Tất cả những điều này lại cộng thêm cảm giác nhục nhã của người Trung Quốc khi phải ký các thỏa thuận đặc quyền ngoại giao thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, mà qua đó các nước phương Tây giành quyền kiểm soát nhiều thành phố của Trung Quốc - gọi là hiệp ước Hải cảng Mở (Treaty Ports). Trung Quốc, sống sót qua cơn ác mộng đó và đã đạt đến vị trí cao nhất của một cường quốc đại lục và ổn định lãnh thổ chưa từng thấy kể từ triều đại nhà Minh thế kỷ thứ 16 và triệu đại Thanh thế kỷ 18, giờ muốn hướng ra biển để bảo vệ các tuyến SLOCs của mình tới Trung Đông và từ đó bảo vệ sự thịnh vượng kinh tế cho lương dân cư đông đảo nhất thế giới của mình. Việc Trung Quốc kêu gọi một không gian chiến lược mở chính là cách để tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ có ý định để cho nước ngoài "đè đầu cưỡi cổ" mình như trong hai thế kỷ trước.
Một khi Trung Quốc có đủ ảnh hưởng, biển Đông đối với nước này sẽ giống như Đại Caribbea (bao gồm Vịnh Mexico) đối với Mỹ trước đây - một sự thể hiện về vật chất và mang tính biểu tượng của vai trò bá chủ khu vực. Hãy nhớ rằng, chính việc bá chủ lòng chảo Đại Caribbea đã tạo cho Mỹ vai trò chế ngự đối với Tây Bán cầu trong thế kỷ 20, giúp Mỹ rảnh tay để tác động tới cán cân quyền lực ở Đông Bán cầu. Một sức mạnh tương tự có thể xảy ra khi Trung Quốc trở thành người bá chủ biển Đông.
Yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông, bên cạnh nguyên nhân về địa lý cũng có nguyên nhân lịch sử. Các chuyên gia phân tích của Trung Quốc cho rằng tổ tiên của họ đã phát hiện ra các quần đảo trên biển Đông từ triều nhà Hán thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Họ cũng cho rằng vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, một phái bộ của Trung Quốc tới Campuchia đã đề cập tới các nhóm đảo tại Trường Sa và Hoàng Sa; rằng từ thế kỷ thứ 10 đến 14 (dưới triều đại nhà Tống và nhà Nguyễn), nhiều sổ sách chính thức và không chính thức của Trung Quốc đã cho thấy biển Đông nằm trong biên giới lãnh thổ quốc gia Trung Quốc; rằng từ thế kỷ 15 - 19 (dưới triều nhà Minh và Thanh), nhiều bản đồ đã đưa quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ Trung Quốc; và rằng đầu thế kỷ 20 (cuối triều nhà Thanh), Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách thể hiện quyền tài phán đối với quần đảo Hoàng Sa. Các lập luận trên không nói gì về các quyền trên thực tế rằng các ngư dân Trung Quốc đánh bắt tại biển Đông từ nhiều thế kỷ và các sổ sách mà họ giữ lại về các hòn đảo lớn nhỏ cũng như các vỉa đá, bãi cát ngàm ở đây. Bên cạnh đó, nhiều bản đồ chính thức khác nhau được làm dưới thời Chính phủ Quốc dân Đảng trước và sau chiến tranh thế giới II đã sáp nhập các hình thái đất tại biển Đông vào lãnh thổ Trung Quốc. Các bản đồ này cũng vẽ đường 9 đoạn lịch sử, mà các chuyên gia phân tích của Trung Quốc đưa ra như một cách hiểu luật pháp quốc tế đương đại. Đường 9 đoạn này bao gồm 90% diện tích biển Đông.
Vậy đâu là lợi ích lớn của Trung Quốc tại biển Đông và Đông Á về địa chính trị và thực tế? Rốt cuộc, cũng như bất kỳ quốc gia nào khác, Trung Quốc quan tâm đến thương mại quốc tế. Sự ổn định xã hội tùy thuộc vào một dòng chảy đều đặn về tài nguyên và hàng hóa ra và vào Trung Quốc thông qua biển Đông. Vì vậy, sự ổn định của Trung Quốc tùy thuộc vào một nền kinh tế thịnh vượng, mà sự thịnh vượng này lại phụ thuộc vào thương mại. Trung Quốc không có động cơ đế quốc lấn chiếm lãnh thổ như trong các quan hệ quốc tế thế kỷ 19 và đầu 20. (Trung Quốc chắc chắn không phải là đế quốc Nhật sau thời Minh Trị Phục hưng).
Tuy nhiên, vị trí trung tâm về địa lý của Trung Quốc trong khu vực khiến họ muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong việc định hướng các vấn đề khu vực. Cách tiếp cận đôi khi mạnh tay của Trung Quốc trong việc quản lý nước ở châu thổ sông Mekong có thể báo trước cách đối xử của Bắc Kinh với các nước khác ở ven bờ biển Đông.
Trật tự của Trung Quốc hiện được duy trì bởi tính hợp pháp, thể hiện là tăng trưởng kinh tế. Nếu kinh tế Trung Quốc duy trì được tăng trưởng mạnh - và đây là một chữ nếu to đùng - thì Trung Quốc sẽ rất mong muốn các nước khác phải từ bỏ một số quyền tự do hành động của mình để đổi lại sự lãnh đạo rộng lượng của Trung Quốc, được hợp pháp hóa bởi cách quản lý kỹ trị của họ.
Một quan chức quân sự Trung Quốc từng nói rằng nước này chỉ sử dụng tấn công quân sự khi còn yếu, trong những năm đầu lập nước, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và chống lại Ấn Độ. Tuy nhiên, phiên bản lịch sử này chưa nói tới một Trung Quốc mạnh hơn sử dụng vũ lực khi Việt Nam đang phải vật lộn trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó chính xác là thời điểm Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa, ở phần phía Tây Bắc biển Đông mà hiện giờ vẫn đang tranh chấp.
Trung Quốc rốt cuộc sẽ dân chủ hơn, nhưng một Trung Quốc dân chủ không hẳn sẽ đảm bảo là một Trung Quốc bớt xác quyết hơn. Một Trung Quốc dân chủ có thể năng động hơn về kinh tế và văn hóa, với một chủ nghĩa dân tộc bén rễ hơn, và từ đó có nhiều tiền hơn dành để mua sắm trang thiết bị quân sự. Ngược lại, đó là một Trung Quốc tiếp tục độc đoán, hay dù chỉ là bán độc đoán, với một mức độ xác quyết có thể buộc các nước trong khu vực phải hợp tác với nó. Việc tương lai của chính quyền Trung Quốc sẽ đi theo hướng dân chủ hay độc đoán sẽ không đặt ra những vấn đề như chúng ta nghĩ, bởi địa chiến lược của Trung Quốc sẽ vẫn như vậy.
Ít người cho rằng Trung Quốc đang tìm cách gây xung đột. Nhưng trên thực tế, điều ngược lại đang xảy ra. Trung Quốc có thể thích một cách tiếp cận gián tiếp hơn và mong muốn tạo ảnh hưởng mà không phải dùng đến vũ lực bạo tàn. Nếu Trung Quốc có thể thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho mình, họ có thể ngày càng chế ngự các nước láng giềng nhỏ hơn trong khi tăng cường khiêu khích hải quân Mỹ và đi xa hơn chuỗi đảo đầu tiên ở Tây Thái Bình Dương.
Các chuyên gia trong khu vực mô tả điều đó là chính sách Phần Lan hóa. Khái niệm này được xác định bởi sự đa nghĩa của nó: sự chế ngự của Liên Xô đối với chính sách đối ngoại của Phần Lan trong Chiến tranh Lạnh nói chung là không công khai. Nhưng Phần Lan biết là có những giới hạn mà họ không thể vượt qua, và vì vậy chủ quyền của họ rõ ràng đã bị tổn thương. Đây chính là điều mà Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei và Philippines đang lo ngại. Đài Loan, ở cực Bắc của biển Đông, có thể đang rơi vào tình trạng Phần Lan hóa rồi, khi 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ Đại lục đang chĩa thẳng về phía họ, dù hàng trăm chuyến bay thương mại vẫn hàng ngày qua lại với Trung Quốc.
Trung Quốc có thể tìm cách chế ngự các nước láng giềng thông qua sự kết hợp giữa hợp tác và ép buộc. Chính sách của Trung Quốc là có thể đoán trước và rất nhất quán, nó là sự đan xen giữa trấn an và mở rộng ảnh hưởng; một số nước Đông Nam Á đã chế giễu về chính sách của Trung Quốc là "miệng nói tay làm".
Khái niệm Phần Lan hóa có thể giải thích tại sao Trung Quốc sẽ ép buộc các nước láng giềng. Rốt cuộc, nếu Trung Quốc có thể giảm mong muốn và khả năng các nước láng giềng phối hợp với Mỹ như một đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc, thì họ có thể thể hiện quyền lực khu vực, bao gồm cả việc buộc một Đài Loan bị cô lập trở thành một liên minh chặt chẽ hơn.
Ngay cả các đồng minh lâu năm của Mỹ cũng không thể làm ngơ trước ảnh hưởng của sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trung Quốc đã phủ một cái bóng dài lên Thái Lan, một đồng minh hợp đồng của Mỹ, trong khi Philippines với bộ máy chính quyền yếu kém có thể một ngày sẽ ngừng kháng cự tầm ảnh hưởng của Trung Quốc dù họ có những yêu sách chồng lấn với nước này tại quần đảo Trường Sa.Nếu nền kinh tế Trung Quốc giữ được đà tăng trưởng, các diễn biến này có thể xảy ra.
Trung Quốc dứt khoát từ chối quốc tế hóa các tranh chấp tại biển Đông thông qua các đàm phán đa phương. Bằng cách giải quyết song phương, Trung Quốc có thể chia rẽ và thuyết phục; các cơ chế đa phương có thể đặt Trung Quốc trong một vị thế yếu hơn. Khi Trung Quốc thấy các nước trong khu vực bắt đầu đoàn kết lại trong một chính sách chung nhằm duy trì nguyên trạng hồi mùa hè năm 2011 (với sự tạo điều kiện của Mỹ), Bắc Kinh đã đổi giọng và chấp nhận một bộ nguyên tắc mập mờ để hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Trung Quốc xử trí bằng cách cải thiện quan hệ song phương với hai nước lớn tiếng nhất trong số các nước cũng đòi chủ quyền tại biển Đông, là Việt Nam và Philippines. Rõ ràng mối đe dọa quốc tế hóa các tranh chấp trên biển Đông và rọi đèn vào các hành động của Trung Quốc đã khuyến khích nước này đi theo hành động ngoại giao.
Châu Giang (Tổng hợp)