Ngày 23/4, Viện Lịch sử Quân sự, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Quân khu 7, Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 (Sư đoàn Sông Lam) tổ chức Hội thảo khoa học "Chiến thắng Trảng Bom (27/4/1975) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm".
Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, cán bộ chỉ huy các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, nguyên cán bộ lãnh đạo, các nhà nghiên cứu lịch sử, các vị cựu chiến binh và nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là trận đánh Trảng Bom.
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, hội thảo khoa học này là dịp để đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn vị trí, ý nghĩa lịch sử của thắng lợi đầu tiên trên hướng đông Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây được xem là nhân tố đóng vai trò quyết định để làm nên chiến thắng đầu tiên của chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu.
Bên cạnh đó, làm sáng tỏ sự chủ động, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 trong chỉ đạo tiến hành công tác chuẩn bị và thực hành trận Trảng Bom và nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự trong quá trình thực hành trận đánh của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341. Đồng thời, rút ra những kinh nghiệm quý giá để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã cống hiến, hy sinh xương máu làm nên chiến thắng vẻ vang này.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, nguyên trợ lý quân lực Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 trong trận Trảng Bom chia sẻ về diễn biến trận đánh, quân ta nổ súng tiến công lúc 4h5 ngày 27/4/1975, đến 8h30 đã cơ bản tiêu diệt yếu khu quân sự Trảng Bom, làm chủ địa bàn. Trận đánh Trảng Bom diễn ra với cường độ, nhịp độ cao, đánh nhanh, diệt gọn, bắt nhiều địch, làm tan rã nhiều đơn vị ngụy, thu nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Kết quả cho thấy trận Trảng Bom có hiệu suất chiến đấu rất cao - đánh nhanh, tiêu diệt gọn, làm tan rã địch trong 1 ngày. Đây được xem là trận đánh then chốt mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo thế và lực mới cho quân ta, mở cửa lớn cho đại quân tiến về tham gia giải phóng Biên Hoà - Sài Gòn.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo) cho biết, hội nghị hôm nay ban tổ chức đã nhận được 70 bài tham luận của những người đang giữ trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước, Quân đội, các tướng lĩnh, sĩ quan, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử từng trực tiếp chiến đấu góp phần làm nên chiến công năm xưa.
Chiến thắng Trảng Bom là minh chứng cho nghệ thuật quân sự độc đáo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiến công và nổi dậy, giữa lực lượng chủ lực và địa phương, giữa tác chiến hiệp đồng binh chủng và đánh tập trung, đánh nhanh, đánh gọn. Đồng thời, biểu hiện cho tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta. Tinh thần chiến đấu này là truyền thống quý báu của dân tộc, cần được tiếp tục bồi đắp, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.