Số lượng quân binh sĩ, khí tài Trung Quốc sử dụng trong chiến thuật "biển người" vẫn chưa thống nhất. Nhiều tài liệu của giới nghiên cứu cho biết đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ chiến tranh Triều Tiên.
Bài 1: Chiến tranh biên giới 1979: Nhân chứng và nấm mồ 400 người
Mời độc giả xem clip Đại tá, Anh hùng Triệu Quang Điện kể trận chiến Đồng Đăng, Lạng Sơn:
"Không giỏi cũng bắn trúng lính Trung Quốc"
Sáng 17/2/1979, 2 sư đoàn bộ binh Trung Quốc (TQ) dưới sự yểm trợ của 1 trung đoàn xe tăng và 6 trung đoàn pháo binh đã tràn vào cửa ngõ Đồng Đăng, Lạng Sơn. Trước chiến thuật rải “biển người” của quân xâm lược, các lực lượng vũ trang, bộ đội địa phương đã chống trả quyết liệt và anh dũng hy sinh. Công an Lạng Sơn là một trong những lực lượng đã ngoan cường tham chiến bảo vệ từng tấc đất quê hương, bảo vệ người dân. Sau cuộc chiến, từ vài trăm người, họ chỉ còn lại 6 người, đều được phong anh hùng.
Đại tá Triệu Quang Điện, Trưởng phòng truy nã tội phạm, công an tỉnh Lạng Sơn, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhớ lại thời khắc đó “không bắn giỏi vẫn trúng lính Trung Quốc” để mô tả chiến dịch "biển người" của quân xâm lược. Trong trận chiến Đồng Đăng, ông cùng đồng đội đã chống trả quyết liệt, sau đó lùi dần về hang Đền Mẫu (cách pháo đài Đồng Đăng chừng 500m) để bảo vệ mấy trăm người dân đang trú ẩn.
Trong hồi ức của ông, những căng thẳng tại khu vực biên giới đã diễn ra dai dẳng. Trước đó, Trung Quốc cho thám báo sang cài cắm người làm công tác dân vận tại Đồng Đăng, kích động người dân. Cũng trong thời điểm này, dòng người Hoa về nước dồn dập khiến khu vực biên giới luôn căng thẳng. Khi ấy các đơn vị quân đội chính quy của ta đang chiến đấu ở Campuchia, và theo luật quốc tế các lực lượng quân đội chính quy phải đóng cách biên giới mấy chục cây, nên công an, dân quân và biên phòng địa phương là lực lượng chính ứng chiến.
Lúc TQ đánh vào Lạng Sơn, binh nhì Triệu Quang Điện vừa xong khoa huấn luyện và trở lại Đồng Đăng. Ông cùng hai đồng đội khác là Vi Văn Cao và Trần Văn Thái vừa đi tuần tra trở về, chưa kịp ngả lưng thì pháo địch bắn ác liệt. Cả ba người được điều động lên khu vực hang Đền Mẫu để bảo vệ người dân, hỗ trợ các lực lượng khác. Ông Điện vẫn nhớ như in, trong vòng một tiếng đầu, tiểu đội của ông đã hy sinh gần hết. Hai người cùng tổ là Vi Văn Cao và Trần Văn Thái bị trúng pháo hy sinh ngay trước mắt ông. Biển người và xe tăng, đạn pháo của Trung Quốc đã vùi dập Đồng Đăng và sau đó tràn vào TP Lạng Sơn.
Cũng đúng hôm Trung Quốc ào ạt xông vào biên giới phía bắc, anh bộ đội chính quy Nguyễn Văn Bình đang trong kỳ nghỉ phép tại Đồng Đăng, Lạng Sơn. Cuộc tấn công bất ngờ của quân xâm buộc anh trở thành chỉ huy lực lượng địa phương chiến đấu và hướng dẫn người dân lên trú ẩn tại hang Đền Mẫu và pháo đài Đồng Đăng, mỗi hang chứa được 300 – 400 người.
Mời độc giả xem cựu quân nhân Nguyễn Xuân Thịnh kể trận chiến Lạng Sơn:
Giành giật từng phiến đá biên giới
Nhớ về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1978-1979, người dân Lạng Sơn không thể quên câu chuyện anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đầu tiên ngã xuống tại mặt trận huyện Cao Lộc.
Ngày 25/8/1978, quân Trung Quốc vượt biên giới sang Việt Nam hành hung cán bộ, phụ nữ và nhân dân địa phương. Lê Đình Chinh đã đánh trả bằng tay không và bị nhóm người Trung Quốc mặc thường phục chém gục bằng dao quắm.
Ông Nguyễn Xuân Thịnh, bộ đội phục viên tại huyện Bình Gia, Lạng Sơn, nguyên là trung sĩ thuộc đơn vị tăng, sư đoàn 14, đơn vị chủ lực đầu tiên tiếp cận TP Lạng Sơn kể lại, suốt một thời gian dài, phía Trung Quốc liên tiếp gây hấn. Các lực lượng bên kia biên giới mặc thường phục liên tục xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, di chuyển cột mốc và uy hiếp nhân dân vùng giáp biên. Tuy nhiên phía ta tìm cách chống cự nhưng không được phép sử dụng lực lượng vũ trang và quân trang.
Đơn vị tăng của ông Thịnh được lệnh hỗ trợ từ bên ngoài, vì đường núi độc đạo, khó triển khai trận địa xe tăng. Ông Thịnh nhớ lại, khi vào trinh sát khu vực thị xã Lạng Sơn, tận mắt thấy một nửa quả núi vừa bị lính Trung Quốc ốp bộc phá giật sập. Đó là chính là hang Khổn Khoang, nơi ẩn náu của hai bản người Tày, Nùng gần đó. Thật may mắn trước đó nửa ngày, toàn bộ người trong hang đã được di chuyển đến địa điểm khác.
Vài ngày sau khi Trung Quốc chiếm giữ Lạng Sơn và 5 tỉnh giáp biên, phá hủy các công trình bệnh viện, trường học, cầu đường; giết hại hàng vạn người dân thường Việt Nam, lực lượng tự vệ địa phương và bộ đội chủ lực của Việt Nam đã chống trả kiên cường. Cầu Khánh Khê, thuộc huyện Cao Lộc, Lạng Sơn là chứng tích giao tranh ác liệt giữa Sư đoàn 377 của Việt Nam, ngăn cản quân Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ. (Cầu Khánh Khê nằm trên quốc lộ 1B nối Đồng Đăng với huyện Bắc Sơn, TP Thái Nguyên và Hà Nội).
Đã diễn ra nhiều trận đánh đẫm máu giành giật từng tấc đất ở các cao điểm quanh Lạng Sơn, quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã, đồng thời tấn công đồng loạt trên nhiều hướng. Chiều ngày 4, một cánh quân Trung Quốc vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và xông vào thị xã Lạng Sơn; Một cánh quân khác hung hổ chiếm sân bay Mai Pha và điểm cao 391 ở phía tây nam thị xã.
Sau gần một tháng giằng co, ngày 16/3/1979, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu tấn công Việt Nam và bắt đầu rút quân.
Đến nay, số lượng quân binh sĩ, khí tài mà Trung Quốc sử dụng trong chiến thuật "biển người", vẫn chưa được bạch hóa, vẫn chưa có con số thống nhất. Nhưng theo nhiều tài liệu của giới nghiên cứu, đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của nhà cầm quyền Bắc Kinh kể từ chiến tranh Triều Tiên.
Hoàng Hường* Tuần Việt Nam giữ bản quyền loạt bài viết này, đề nghị các báo không lấy lại, sao chép dưới bất kỳ hình thức nào.