Lo ngại về việc Israel tấn công Iran cũng có thể là quá mức nhưng cuộc "chiến tranh lạnh" ẩn giấu trong khu vực giữa Tehran và các kẻ thù của nước này đang leo thang nhanh chóng, dẫn tới nguy cơ xung đột lớn hơn. 

TIN BÀI KHÁC:


Một cặp đôi Iran ngồi nghỉ gần một tên lửa Zelzal chế tạo trong nước tại một triển lãm chiến tranh do Vệ binh Cách mạng Iran tổ chức để kỷ niệm cuộc chiến Iran-Iraq (1980-88) ở miền nam Tehran ngày 26/9/2011.  

Đồn đoán rằng Israel có thể tấn công chương trình hạt nhân của Iran đã xuất hiện ầm ĩ trên báo chí Israel và các thị trường dầu mỏ trong những tuần gần đây, với lo ngại rằng Tehran có thể sẽ trả đũa bằng các cuộc tấn công thảm khốc nhằm vào các hoạt động vận chuyển dầu mỏ của Vùng Vịnh. 

Tuy nhiên, cuộc tranh luận ấy, theo các chuyên gia, đã bỏ qua rất nhiều phần quan trọng của một bức tranh lớn hơn. Một Iran ngày càng bị cô lập gây lo lắng không chỉ cho Israel và phương Tây mà còn cả các nước láng giềng Vùng Vịnh - đặc biệt là kẻ thù lâu năm của nước này, Ảrập Xêút - và họ đã phản ứng lại. Cuộc đối đầu đã vượt xa những lệnh cấm vận đơn thuần. 

Từ các cuộc chiến đại diện ở Iraq và Syria, và những cuộc tấn công bằng virus máy tính cùng những vụ nổ khó hiểu ở Iran tới cáo buộc về âm mưu ám sát đại sứ Ảrập Xêút ở Washington, một cuộc đối đầu từng âm ỉ "phía sau sân khấu" đang biến thành một quan điểm ngày càng công khai.

Vụ tấn công đại sứ quán Anh ở Tehran tuần trước và đòn ăn miếng trả miếng của Anh - đóng cửa sứ quán Iran ở London - chỉ là những dấu hiệu mới nhất cho thấy đối thoại vốn có giới hạn đang bắt đầu đổ vỡ. Các nhà phân tích cho rằng, điều đó thực sự rất nguy hiểm. 

"Với Iran, bạn có một chính phủ đang ngày càng bị cô lập và hành động theo những cách ngày càng khó đoán", trích lời Jon Alterman, giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc gia ở Washington. "Chắc chắn có nguy cơ rằng một nước sẽ có quyết định thận trọng tấn công Iran. Nhưng cũng có nguy cơ rằng điều gì đó xảy ra sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến mà không ai lên kế hoạch và không ai mong muốn".

Với cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro còn lâu mới kết thúc, và nhu cầu trên toàn thế giới vốn đã rất bất ổn, những hành động như vậy cùng với một sự gia tăng giá dầu có thể là thảm họa cho nền kinh tế toàn cầu. 

Tất nhiên, cuộc đối đầu này không phải mới. Tehran từ lâu bị cho là đã sử dụng các nhóm dân quân như Hezbollah của Lebanon và Hamas của Palestine để tác động đến chính trị khu vực và tấn công kẻ thù, đặc biệt là Israel. 

Mỹ và Anh từ lâu cáo buộc Iran dùng các tay súng Hồi giáo Shi'ite ở Iraq để giết hại binh lính phương Tây và áp đặt chương trình nghị sự của Tehran tại đó.

Những nước do người Sunni lãnh đạo ở Vùng Vịnh, đặc biệt là Ảrập Xêút và Bahrain, cáo buộc Iran xúi giục bất ổn trong các cộng đồng Shi'ite của họ, mặc dù nhiều chuyên gia phân tích phương Tây tin rằng đổ lỗi cho Iran về các cuộc biểu tình trong năm nay ở những nước này là quá đáng hoặc ít nhất là quá đơn giản hóa. 

Nhiều cuộc đối đầu như vậy trên toàn khu vực dường như đang leo thang nhanh chóng và trở nên khó kiểm soát hơn đối với Washington và các đồng minh. 

"Chiến tranh đại diện"

"Sức mạnh Mỹ và phương Tây trong khu vực đang suy yếu, và điều đó đang tạo ra một khoảng trống - đáng chú ý nhất là ở Iraq, và bạn có thể thấy những nước chính trong khu vực đang phản ứng lại việc Iran sẵn sàng lấp đầy khoảng trống đó", Reva Bhalla, trưởng nhóm phân tích thuộc công ty tình báo tư Mỹ Stratfor, nhận xét.

Làn sóng nổi dậy năm nay ở Syria, một người bạn Ảrập hiếm hoi của Iran, đã tạo ra một chiến trường mới. Kể từ những ngày đầu của phong trào, các quan chức Mỹ đã liên tục và nhấn mạnh rằng họ tin chính phủ của ông Assad đang nhận sự giúp đỡ từ phía Iran. 

Mới đây, Syria đã bị Liên đoàn Ảrập đình chỉ tư cách thành viên, một hành động ngoại giao do Ảrập Xêút và các nước khác ở Vùng Vịnh đi đầu. Sự ủng hộ của họ cho một sự phản đối vũ trang đã làm vấn đề leo thang nhanh hơn, tiềm ẩn tạo ra một cuộc nội chiến giáo phái kéo dài nhiều năm và lan qua biên giới vào các nước láng giềng. 

Ở Iraq, việc Mỹ rút quân vào cuối năm nay tạo ra nhiều khoảng trống hơn để Iran và các nước Ảrập Sunni can thiệp vào thông qua các lực lượng dân quân. Tồi tệ nhất, điều đó có thể làm tái bùng phát cuộc xung đột giữa hai giáo phái Sunni và Shi'ite mà vốn đã gần như xé tan Iraq từ khi Mỹ còn đang chiếm đóng. 

"Một cuộc chiến Ảrập Xêút - Iran ở Iraq sẽ là một mối đe dọa rất lớn đối với các nguồn cung cấp dầu", trích nhận xét của Alastair Newton, nhà phân tích chính trị tại Ngân hàng Nomura Nhật.  

Tranh giành quyền lực

Số va chạm gia tăng với các nước láng giềng có thể là một dấu hiệu của cuộc tranh giành quyền lực ở bên trong Iran, theo ông Newton. "Tôi nghĩ một trong các lý do mà bạn thấy đang tăng nhiệt giữa Iran và các nước khác là bởi vì bạn nhìn thấy sự tăng nhiệt bên trong chính Iran". 

Một số sự kiện gần đây như tấn công sứ quán Anh có thể là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của phe các giáo sĩ cứng rắn và các tư lệnh của Vệ binh Cách mạng.  

Vụ tấn công đại sứ quán Anh đã làm dấy lên phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế, và có vẻ như đã dẫn tới các lệnh cấm vận thắt chặt hơn. Điều đó cũng có thể làm tăng sức mạnh cho phe cứng rắn ở Iran. 

Hồi tháng 10, Mỹ tuyên bố nước này đã phá âm mưu của Iran nhằm tấn công đại sứ Ảrập Xêút ở Washington DC. Liệu điều đó có đúng hay không - và bất kể ai đứng đằng sau - đều cho thấy các mối quan hệ đang ngày càng xấu đi. 

Hành động ngầm

Các kẻ thù của Iran dường như đang sử dụng các biện pháp phi truyền thống để chống lại quốc gia này, được cho là đã tấn công ngay bên trong biên giới nước Cộng hòa Hồi giáo. Israel và Mỹ đều tuyên bố rõ rằng họ coi các hoạt động ngầm như một lựa chọn hợp lý cho hành động quân sự truyền thống.

Sâu máy tính Stunxnet năm ngoái - loại virus phá hỏng các máy tính dùng trong máy móc công nghiệp - được nhiều người cho là một cuộc tấn công của Mỹ và Israel nhằm làm tê liệt các máy li tâm hạt nhân của Iran. 

Một số nhà khoa học hạt nhân Iran đã bị sát hại hoặc biến mất, và Iran quy tội cho các cơ quan tình báo của Mỹ hoặc Israel. 

Hai vụ nổ tháng trước ở Iran, trong đó một vụ giết chết một vị tướng cùng hàng chục sĩ quan khác của Vệ binh Cách mạng, đã làm dấy lên đồn đoán rộng khắp ở Israel rằng các cơ quan tình báo nước này có liên quan.

Iran tuyên bố, vụ nổ thứ nhất là một tai nạn và không đưa ra thông báo cụ thể về vụ nổ thứ hai.

Các quan chức Israel từ chối xác nhận hoặc phủ nhận rằng họ đứng sau bất kỳ một vụ việc cụ thể nào. Một số nhà bình luận báo chí cảnh báo rằng, những hành động như vậy có thể phản tác dụng - rất có thể đã dẫn tới các vụ tấn công rocket nhằm vào Israel do Hezbollah ở Lebanon thực hiện.  

Giới chuyên gia hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về khả năng xảy ra một cuộc không kích nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran trong những tháng tới. Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq đã khiến cho các máy bay của Israel có thể bay qua không phận nước này mà không cần Mỹ cho phép. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cái giá phải trả sẽ là quá cao.  

Thanh Hảo (Theo Reuters)