- Muốn có nhân tài thì những người hoạch định chính sách phải là nhân tài.

Câu chuyện ồn ào xung quanh cựu thí sinh Olympia Doãn Minh Đăng và Ban giám hiệu ngôi trường nơi anh công tác mới đây cho chúng ta thật nhiều suy nghĩ về việc dùng người.

Câu chuyện nhân tài ở hay về lại một lần nữa được xới xáo, tranh luận không ngừng. Người cho rằng không nên về lúc này vì cơ chế chưa “thoáng”, người thì nói nên về để thay đổi đất nước…

Về hay ở là quyền tự do cá nhân. Nhưng quan trọng là ở chỗ thái độ ứng xử như thế nào đối với nhân tài để họ có thể quay về phục vụ cho quê hương.

{keywords}
Giữ chân người tài rất dễ mà cũng rất khó. Ảnh chụp thí sinh dự một kỳ thi tuyển công chức vào Bộ Nội vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người nổi tiếng trong chiêu hiền đãi sĩ từng nói “lãnh đạo dốt sẽ ngáng chân người giỏi, không cho và không muốn họ ngồi vào vị trí quan trọng”.

Muốn có nhân tài thì những người hoạch định chính sách phải là nhân tài, chỉ có nhân tài mới hiểu và biết được nhân tài cần gì, ngược lại người tài nếu rơi vào tay kẻ tiểu nhân bất tài thì sẽ là thảm họa.

Bởi vậy, xưa nay người tài có mấy cái sợ. Cái sợ thứ nhất là sợ không được trọng dụng, cái sợ thứ hai là sợ lãnh đạo ưa kẻ nịnh hót mà bỏ mặc hiền tài, cái sợ thứ ba là sợ phải phục tùng kẻ tiểu nhân bất tài.

Chắc hẳn ai cũng biết Vua Quang Trung mất bốn lần đến núi Thúy để cầu hiền tài Nguyễn Thiếp ra giúp nước.

Bác Hồ đích thân sang Pháp mời cho bằng được Trần Đại Nghĩa trở về trong lúc đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”…

Muốn có nhân tài chắc chắn phải mất công kiếm tìm, như đãi cát tìm vàng, như giũa đá thành ngọc chứ nhất quyết không phải bằng ba lời lẽ chỉ có tính chất làm đẹp cho chính sách.

Đâu đó hàng ngày trên đất nước này người ta vẫn nhắc đến câu nói của vị tổng thống Mỹ nổi tiếng J.F.Kenedy “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”.

Nhưng hãy nhớ rằng là “làm cho Tổ quốc” chứ không phải làm cho một vài nhóm lợi ích nhân danh Tổ quốc không biết quý trọng hiền tài. 

Đừng bao giờ nhân danh lòng yêu nước để “buộc tội” nhân tài ra đi là không yêu nước, bởi xưa nay lòng yêu nước sẽ tự khắc bùng cháy khi Tổ quốc lâm nguy.

Người xưa có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” quả thật đúng trong chiêu hiền đãi sĩ, thu hút và giữ chân người tài rất dễ mà cũng rất khó.

Thạc sĩ Trương Khắc Trà