Để tạo thói quen đọc sách cho học sinh, từ nhiều năm nay, Trường Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) đã xây dựng những khung giờ đọc cố định, thường vào đầu giờ sáng hoặc buổi trưa mỗi ngày để học sinh và thầy cô tại các khối lớp cùng tham gia.
Một số phòng ban sẽ đọc sách vào đầu giờ sáng, trong khi học sinh tiểu học & THCS sẽ đọc sau giờ ăn trưa, ngay trước khi đi ngủ. Các giáo viên kỹ năng lại đọc sách trong khung giờ 11h – 11h30. “Nếu bước tới trường vào những khung giờ này, chỉ thấy thầy trò ngồi quây quần yên lặng đọc sách”, thầy Phạm Tuấn Đạt – Giám đốc điều hành nhà trường nói.
Ngoài những giờ đọc sách tự chọn, học sinh các lớp có thể cùng nhau đọc chung một cuốn. Giáo viên hoặc một học sinh bất kỳ sẽ đọc cho cả lớp nghe, sau đó cùng nhau chia sẻ và tương tác bằng những câu hỏi. Đối với một số lớp tiểu học còn có thêm những tiết đọc sách trong thư viện hoặc các bãi cỏ ngoài trời, tùy theo tình hình thời tiết.
Dù việc đọc sách dù chỉ diễn ra khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày nhưng nhà trường kỳ vọng, thói quen này có thể giúp học sinh “gieo những hạt mầm tri thức”. “Bằng việc hình thành thói quen đọc sách và yêu sách, nhà trường kỳ vọng mỗi gia đình sẽ có tủ sách to hơn tủ lạnh, văn hóa đọc sẽ thấm sâu vào từng thành viên mỗi gia đình”, đại diện nhà trường cho hay.
Ngoài thư viện rộng 300m2 với nhiều đầu sách được cập nhật mỗi tháng, trường còn xây dựng một thư viện mở có tên “Vườn sách”. Đều đặn thứ 7, Chủ Nhật hàng tuần, hai thư viện này lại mở cửa miễn phí không chỉ cho giáo viên, học sinh trong trường mà cả cộng đồng tới trải nghiệm.
Nhiều gia đình gồm cả ông bà, bố mẹ cùng đưa con tới trường đọc sách và nghe đọc sách. Điều này, theo thầy Phạm Tuấn Đạt, sẽ giúp gia đình thêm gắn kết thay vì chỉ ở nhà với thiết bị điện tử. Trường cũng mong muốn biến thư viện, không gian của trường thành thư viện cộng đồng và là môi trường đọc cho tất cả mọi người.
Để khuyến khích thầy cô, phụ huynh và học sinh đọc nhiều hơn, nhà trường còn phát động cuộc thi “Hành trình đọc sách”. Bất kỳ ai cảm thấy yêu thích một cuốn sách nào đó có thể quay video đánh giá và gửi tham gia cuộc thi.
Thầy cô, phụ huynh và học sinh cũng có thể trao tặng những cuốn sách đã đọc và đem về những cuốn sách yêu thích.
Ngoài việc đọc sách, trên các tuyến xe bus đưa đón học sinh của trường cũng được trang bị thêm sách nói để phát trong suốt chặng đường học sinh di chuyển từ nhà đến trường. Các học sinh nội trú cũng sẽ được thầy cô thay cha mẹ đồng hành cùng đi nhà sách và tham gia các giờ đọc hạnh phúc.
Những hoạt động này đã mang đến sự cổ vũ cho học sinh trên con đường khám phá thế giới kỳ diệu của những trang sách. Thông qua đó, niềm yêu thích với sách của học sinh đã tăng lên đáng kể.
Cụ ông 88 tuổi viết 5.000 trang hồi ký, cần mẫn học ngoại ngữ mỗi ngày 88 tuổi, ông Nguyễn Chí Tình vẫn cần mẫn viết sách, làm thơ và học thêm ngoại ngữ mới. Với ông, ở độ tuổi này, vẫn còn niềm đam mê làm việc và học tập đó là một hạnh phúc.
Thạch Thảo, Nguyễn Huế, Hữu Hải, Văn Hùng và nhóm BTV