Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội, tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chính phủ cho biết, đến nay đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo. Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình chi tiết hơn 750 nội dung góp ý của nhân dân và đại biểu Quốc hội qua các phiên thảo luận về dự án luật này. Một trong những vấn đề được nhân dân quan tâm góp ý nhiều là vấn đề tài chính đất đai, giá đất, thu hồi đất...

Theo đó, có ý kiến đề nghị áp dụng các loại thuế, phí như thuế lũy tiến với người mua “nhà ở thứ hai trở lên” và thuế lũy tiến theo thời gian bán bất động sản, các loại phụ phí (càng ở khu vực, thành phố trung tâm phụ phí càng cao) để hạn chế đầu cơ đất, giữ đất, hạn chế tình trạng “nhà, đất không sử dụng”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. 

Giải trình nội dung này, Chính phủ cho biết, Nghị quyết số 18 của Trung ương đã khẳng định, “quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”.

Do vậy, dự thảo luật lần này đã bổ sung khoản thu từ “tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, sử dụng chậm tiến độ”. Còn quy định cụ thể về mức thuế suất phải được quy định tại pháp luật về thuế.

Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xin ghi nhận nội dung này và báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thuế nghiên cứu, rà soát cho phù hợp. 

Dự án nhà ở thương mại, Nhà nước chỉ thu hồi đất để đấu giá

Về bảng giá đất, Chính phủ cho hay, có ý kiến cho rằng dự thảo luật bỏ quy định khung giá đất là phù hợp. Bên cạnh đó cũng có ý kiến không quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm mà quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên; quy định ban hành bảng giá đất 5 năm, 3 năm, 2 năm một lần hoặc theo từng giai đoạn.

Giải trình nội dung này, Chính phủ cho biết, qua tổng kết, việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20% không đảm bảo giá đất phù hợp với giá thị trường. Việc theo dõi chỉ số biến động giá đất thị trường chưa thực hiện được, dẫn đến bảng giá đất thường thấp hơn nhiều so với giá đất thị trường.

Vì vậy, dự thảo luật quy định bảng giá đất cần phải được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường, gây thất thu ngân sách và khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất.

Tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trong dự thảo luật theo hướng với các địa phương đã ban hành bảng giá đất 5 năm theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 trước ngày luật này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng bảng giá đất đã phê duyệt đến hết kỳ của bảng giá.

Các địa phương có trách nhiệm tập trung nguồn lực lập và ban hành bảng giá đất hàng năm theo quy định của luật này để áp dụng sau khi bảng giá đất chu kỳ 5 năm hết hiệu lực.

Liên quan đến nội dung thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất.

Bởi dự thảo luật đã bổ sung định nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng phạm vi được quy định còn rộng, chưa cụ thể.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế còn lưu ý cần phân biệt rõ hơn giữa mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích kinh tế đơn thuần để minh bạch trong việc thu hồi đất, tránh bị lạm dụng, gây bức xúc cho người sử dụng đất, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Cơ quan này đề nghị Chính phủ xác định rõ tính chất “vì lợi ích quốc gia, công cộng” để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi. Đồng thời, cân nhắc việc thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Theo Ủy ban Kinh tế, các dự án nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Vì vậy dự án nhà ở thương mại khó và không có cơ sở rõ ràng để xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không, dễ bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện gia tăng.

Giải trình những nội dung này, Chính phủ cho biết, sau khi lấy ý kiến nhân dân, dự thảo đã chỉnh sửa toàn diện, quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các công trình công cộng như: Giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông...

Dự thảo luật cũng quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như: Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, dự án lấn biển, xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội...

Với các dự án có giá trị địa tô chênh lệch cao như dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại, Chính phủ khẳng định, Nhà nước chỉ thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.