Nếu cán bộ toàn “người nhà” thì rút cục chính sách cũng sẽ chỉ quyết định sự phát triển, vận mệnh “nhà ta”!

Chính phủ (CP) mới vừa chính thức ra mắt quốc dân đồng bào. Với 05 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng và trưởng ngành, CP mới do ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng.

Có lẽ cũng chưa bao giờ, giữa thời bình, CP mới vừa ra mắt đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức nặng nề trong và ngoài nước. Khi mà vụ Formosa còn là nỗi đau day dứt chưa thể khép lại bởi những di họa của nó còn đeo đẳng lâu dài cuộc sống người dân Việt, thì hàng loạt vụ việc khác xảy ra, đe dọa cả an ninh quốc gia, gây tổn thất không chỉ vật chất mà cả tinh thần con người, trong bối cảnh niềm tin xã hội quá bất an bởi những “quốc nạn” khó diệt trừ.

Chính phủ kiến tạo, liêm chính- thay thế cho CP hành chính- không chỉ là tuyên ngôn của CP mới, mà cần coi là tố chất, phẩm cách cần thiết của một CP tương xứng với mục tiêu phát triển của quốc gia trong thời cuộc mới- hội nhập văn minh.

Không phải vô lý khi các tờ báo nêu ra hàng loạt thực trạng, vấn nạn kiến nghị CP mới phải tập trung giải quyết. Đó là tham nhũng, lãng phí, nợ công cao, ô nhiễm môi trường sống, thực phẩm bẩn…

{keywords}

Một đoạn trong đường ống nước sông Đà - Ảnh minh họa: Đan Hạ (Thanh niên)

Nhưng đó mới chỉ là nhiệm vụ, mục tiêu. Một CP kiến tạo, liêm chính trước hết là CP dám hành động, biết hành động và có giải pháp minh bạch.

Muốn vậy, CP mới cần thay một loạt các “quý ông” kém năng lực.

-“Mr. Đúng Quy Trình”: Xin được mượn ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu CP tìm người tài chứ không phải tìm người nhà thay cho “lời muốn nói” của người viết. Đó chính là công tác cán bộ- yếu tố quyết định quan trọng nhất cho mọi chính sách chủ trương, vì lợi ích dân tộc hay ngược lại, chỉ vì … lợi ích nhóm? Bởi những vụ việc nổi cộm về nhân sự cao cấp, gây thị phi trong xã hội, thực chất là hiện tượng CCCC được bổ nhiệm nhân danh “đúng quy trình”.  

Báo Trí thức trẻ ngày 29/7 có bài viết: Lộ diện "ông lớn quyền lực" bảo kê cho nhiều bê bối ở Việt Nam. Ông lớn quyền lực đó là ai nếu không phải là “Mr. Đúng Quy Trình”?

Đúng quy trình, một nguyên tắc tổ chức sàng lọc cán bộ nghiêm ngặt tự lúc nào đã bị lợi dụng không thương tiếc, vô tình “bảo kê” cho các quan chức và lợi ích nhóm của họ thực hiện những ý đồ cá nhân có đi có lại mới toại lòng nhau, trở thành một ông lớn quyền lực. Bà Chủ tịch QH mới đây cũng phải thừa nhận 'Bổ nhiệm đúng quy trình nhưng có thể không đúng tiêu chuẩn'. Ông lớn quyền lực này giúp các lợi ích nhóm toại lòng nhau nhưng lòng người dân chính trực, có lương tâm từ lâu rất … căm ghét.

Năm 2015, ngành chức năng phát hiện hàng nghìn văn bản trái pháp luật, sai nội dung, thẩm quyền (Dân trí, ngày 25/5). Sự hạn chế, kém cỏi về trình độ phản chiếu ngay trong thẩm quyền ban hành các văn bản trái pháp luật liệu có liên quan gì tới Mr. Đúng Quy Trình? Chắc chắn chỉ Mr. Đúng Quy Trình trả lời nổi.

Cán bộ quyết định chính sách, liên quan sự phát triển và vận mệnh đất nước. Nhưng nếu cán bộ toàn “người nhà” thì rút cục chính sách cũng sẽ chỉ quyết định sự phát triển, vận mệnh “nhà ta”!

-“Mr. Trách Nhiệm Tập Thể”: Chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường, những thành tựu kinh tế của công cuộc Đổi mới 30 năm qua khẳng định một quyết định cấp thiết và đúng đắn. Nhưng cũng phải nói rằng, những bất cập và sự khó phát triển của nền kinh tế phản chiếu tư duy quản lý của nước Việt có vấn đề.

Những nhóm lợi ích, vấn nạn tham nhũng ở đâu ra nếu không phải từ khu vực kinh tế nhà nước, các tập đoàn, doanh nghiệp NN được ưu ái về quỹ đất, vốn đầu tư, thiết bị, dây chuyền công nghệ, chiếm tới 60% nguồn lực, nhưng lại chỉ đóng góp 40% GDP, trái ngược hẳn với khu vực doanh nghiệp tư nhân, tạo ra đến 90% việc làm cho người lao động, đóng góp khoảng 50% GDP cả nước. Trong khi mãi đến ngày 1/7 vừa rồi, hàng nghìn điều kiện kinh doanh sai chuẩn (giấy phép cha, giấy phép con, giấy phép cháu) mới được xóa bỏ. Tư duy kinh tế “mất cân bằng” kiểu đó góp phần tạo ra con số nợ công khủng, đe dọa sự vỡ nợ của quốc gia, như chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt từng cảnh báo.

Có câu không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng. Nỗi sợ ấy, các doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ từng nếm đủ. Và không biết sẽ còn đến bao giờ, một khi tư duy quản lý vẫn nhất bên nặng nhất bên nhẹ kiểu này?

Nhưng trước sự thua lỗ, làm ăn thất thoát kiểu đó, luôn chỉ thấy “Mr. Trách Nhiệm Tập Thể” đứng ra nhận lỗi, rút kinh nghiệm sâu sắc…. xấu, mà không có bất cứ quan chức nào đứng ra chịu trách nhiệm cá nhân? Cơ chế “Mr. Trách Nhiệm Tập Thể” vô tình thành sự che chắn và đỡ đòn cho những trách nhiệm cá nhân, khiến các quan chức có trách nhiệm trở thành … vô trách nhiệm trước lợi ích cộng đồng.

Không phải ngẫu nhiên người đứng đầu CP đã có một phát ngôn ấn tượng, liệu có thể coi là tuyên ngôn hành động: Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc (Tuổi trẻ, ngày 2/8)

-"Mr. Pháp luật Đường Cong Mềm Mại": Phát ngôn ấn tượng của người đứng đầu CP không chỉ mang ý nghĩa tư duy và trách nhiệm quản lý, mà còn mang ý nghĩa của sự thượng tôn pháp luật. Với các quốc gia văn minh, tiên tiến, pháp luật thượng tôn là cây bảo kiếm có ý nghĩa quyết định xây dựng một nhà nước pháp quyền, điều chỉnh hành vi sống và ứng xử của mọi công dân, từ quan chức tới thường dân của quốc gia đó. Có điều ở nước Việt, do đặc điểm thể chế, cấu trúc tư pháp mà cây bảo kiếm thượng tôn nhiều khi có cả những … đường cong mềm mại.

Báo Một Thế Giới ngày 01/8 có bài viết “Công lý không thể là một từ suông”, vào đúng lúc ông Nguyễn Hòa Bình, vừa được QH bầu là Chánh án Toà án Nhân dân tối cao.

Bởi nói cho công bằng, nếu pháp luật thượng tôn, chắc nước Việt khó có thể có những vụ án oan chấn động xã hội, không có những con số đau lòng và xấu hổ: Chỉ trong 03 năm, từ 2011-2014, có tới 71 án oan sai. Trung bình mỗi tháng có gần 2 vụ án oan sai (nld, ngày 21/5/2015)

Nếu pháp luật thượng tôn chắc chắn sẽ không để xảy ra những vụ án, vô tình thành “vật đối chứng” cho sự bất công khiến lòng dân bất yên. Đó là vụ hai thiếu niên đói cướp bánh mỳ, phải chịu mức án hơn 18 tháng tù (cho cả hai) và vụ 05 cựu quan chức Vinaconex được miễn truy tố hình sự trong vụ ống nước sông Đà vỡ 18 lần, chỉ bởi lý do thân nhân tốt, sức khỏe yếu, mặc dù họ đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả xử án, không chỉ là tiếng khóc cười của kẻ rủi hay may mà điều tồi tệ hơn, sẽ làm mất đi sự tôn trọng của con người với chính pháp luật. Nhất là khi có vị lãnh đạo tiền nhiệm của TANDTC từng thú nhận: Luật pháp của Việt Nam thì muốn xử kiểu gì cũng được.

Ô hay, hóa ra sai có thể thành đúng. Và đúng có thể thành sai?

Cũng chính vì thế, tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, người đứng đầu Nhà nước khẳng định: Chống tham nhũng không có vùng cấm. Tuy nhiên, người làm công tác chống tham nhũng phải có bản lĩnh. Và sẽ không né tranh bất kỳ cá nhân nào ở địa phương, bộ ngành nếu liên quan đến sai phạm của Formosa.

Người dân sẽ nhìn vào hành động thực tiễn sau lời hứa của người đứng đầu Nhà nước

Và trông chờ CP mới đủ trí, đủ tầm, đủ bản lĩnh hành động- để lịch sử nước Việt sang trang, bằng phẩm chất kiến tạo, liêm chính- như tuyên ngôn ra mắt.

Kỳ Duyên