Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Trong khi đó, Chính phủ số là Chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu. Xây dựng chính phủ số là quá trình chuyển đổi số của Chính phủ.
Chính phủ số là cấp độ tiếp theo của chính phủ điện tử. Ở đó, mọi thứ được số hóa. Các nền tảng cho phép làm việc thông minh và hiệu quả hơn. Bộ máy trở nên minh bạch. Các quyết định được hỗ trợ định lượng. Nhiều loại hình dịch vụ mới được cung cấp.
Đặc biệt, Chính phủ số được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thì được gọi là chính quyền số. Tuy cùng bản chất nhưng chính quyền số liên quan đến các nhiệm vụ địa phương và trực tiếp với người dân.
Theo kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính phủ số, chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thì khung nội dung kế hoạch phát triển chính quyền số cấp tỉnh, gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển hệ thống nền tảng; phát triển dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin và phát triển nguồn nhân lực.
Thúc đẩy hành động đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân
Với tinh thần đó, thời gian qua, việc xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ được tỉnh Kon Tum quan tâm chỉ đạo sát sao. Hiệu quả, hiệu lực công tác lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Nhà nước không ngừng được nâng lên, người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch với cơ quan Nhà nước.
Từ những chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân và doanh nghiệp; phát triển kinh tế số, xã hội số gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, hoạt động đối ngoại… Qua đó, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực, tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, cũng như giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng mức độ hài lòng của người dân.
Tiếp nối những thành công đã đạt được, năm nay, tỉnh Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.
Hôm 5/10, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ phát động Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023, với chủ đề "Năm dữ liệu số quốc gia: Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới".
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc nhấn mạnh: Lễ phát động Ngày chuyển số quốc gia năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh Kon Tum trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia; là dịp để cán bộ công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum được tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Qua đó, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Ngay từ sớm tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng, như: Tập huấn "Hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số cho hộ sản xuất nông nghiệp", "ra quân, phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ, nền tảng số thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng", "nhân rộng các mô hình chuyển đổi số", "thúc đẩy sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt"...
Thông qua Chương trình này, các đại biểu, các chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ số cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm giúp địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.
Chỉ đạo thực hiện quyết liệt tạo ra những chuyển biến tích cực
Theo báo cáo của Sở TT&TT, đến tháng 9/2023, tổng số giao dịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LSGP) tỉnh là 220.050 giao dịch. Các cơ sở dữ liệu (CSDL) về dân cư thu nhận 125.456 hồ sơ cấp định danh điện tử (34.865 hồ sơ đăng ký mức 1 và 90.591 hồ sơ đăng ký mức 2); về bảo hiểm phát sinh 444 giao dịch giữa LGSP tỉnh với cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm Xã hội tỉnh; về hộ tịch và lý lịch tư pháp phát sinh 4880 giao dịch; về đăng ký doanh nghiệp phát sinh 2318 giao dịch.
Đồng thời, 100% cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 98,25%; tổng số văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của toàn tỉnh là trên 2,4 triệu văn bản; hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã cấp 6.968 tài khoản cho tổ chức, cá nhân để trao đổi thông tin điện tử trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT có hệ thống giám sát, theo dõi quản lý tiến độ dự án đầu tư tỉnh Kon Tum; Sở Tư pháp sử dụng các phần mềm chuyên ngành hệ thống quản lý thông tin lý lịch tư pháp, quản lý hộ tịch, trợ giúp pháp lý; Ban Dân tộc tỉnh triển khai hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc; Sở Nội vụ triển khai thí điểm phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức và cán bộ công chức cấp xã; Sở NN&PTNT triển khai phần mềm theo dõi cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, hệ thống thông tin dịch bệnh động vật, quản lý năng lực giám sát và đánh giá ngành kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Sở GD&ĐT phần mềm số hóa văn bằng chứng chỉ của ngành, các phần mềm dạy học trực tuyến (MS Teams, Zoom, Googe Meet), các ứng dụng kiểm tra đánh giá học sinh trực tuyến, phần mềm kế toán MISA.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) theo hướng toàn trình đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ. Theo đó, toàn tỉnh cung cấp 887 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 429 dịch vụ công trực tuyến một phần; giải quyết 35.305 hồ sơ/162.390 hồ sơ trực tuyến toàn trình thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tính. Việc triển khai ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ giải đáp tự động phục vụ người dân và tổ chức thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR qua Zalo), cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế -xã hội nhanh chóng, hiệu quả; mô hình chợ 4.0 đang được triển khai tại một số chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà.
Số doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử đạt 100%; trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và trên 98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.
Về bảo đảm an toàn thông tin mạng, hệ thống đảm bảo an toàn thông tin (SOC) tỉnh và kết nối, chia sẻ thông tin giám sát với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). Trong 9 tháng đầu năm, hệ thống đã có 29.282 lỗ hổng được phát hiện, xử lý. Hệ thống giám sát mã độc tập trung triển khai tới 1.254 máy tính cá nhân của các đơn vị, địa phương và thực hiện kết nối chia sẻ thông tin về mã độc với NCSC.
Có thể nói, việc xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở tỉnh Kon Tum đạt được kết quả nhất định, đa số mục tiêu đã hoàn thành và vượt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh ta còn một số vấn đề tồn tại sau: Nền tảng LGSP đã hoàn thành nhưng các giao dịch thông qua LGSP còn rất thấp; nguồn nhân lực đảm nhận việc phối hợp triển khai và tổ chức quản lý vận hành các hệ thống thông tin còn mỏng và yếu, đặc biệt ở cấp huyện, xã; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước về chuyển đổi số chưa được thường xuyên.
Tuy nhiên với quyết tâm cao, cách làm bài bản, có lộ trình, những tồn tại này sẽ sớm được khắc phục để Kon Tum thực hiện thành công chính quyền số, để người dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn.