- Doanh nghiệp đang chờ đợi cuộc đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại TP.HCM ngày 29/4 tới với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng lúc đối thoại trực tiếp với khoảng 500 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và trực tuyến với 62 tỉnh, thành (mỗi đầu cầu 50-100 đại biểu).
'Cùng hội cùng thuyền'
Ngay khi đề cập đến cuộc đối thoại, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng nhớ lại cuộc đối thoại có tinh thần tương tự gần 20 năm trước của Thủ tướng Phan Văn Khải.
"Đây là tín hiệu lạc quan", ông nói, chợt kể câu chuyện về những bà mẹ ngày xưa, vì thương con mà đã gỡ bớt cái bó chân cho con đỡ đau và thoải mái, dù làm thế là trái với tập tục của họ.
"Cơ chế hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp" |
"Ý tôi là muốn nói về cơ chế hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Lâu nay, trong mối quan hệ Nhà nước với doanh nghiệp, Nhà nước vẫn coi mình có chức năng quản lý, các doanh nghiệp là đối tượng quản lý.
Phương pháp để Nhà nước quản lý là đặt ra các luật lệ. Những luật lệ này tạo sự thuận lợi cho công tác quản lý, nhưng nhiều khi vô tình trở thành những cái ‘bó chân’ gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Lĩnh nói với VietNamNet.
Điều doanh nghiệp này đang chờ đợi được kiến nghị với Thủ tướng trong cuộc đối thoại tới đây, đó là trong thị trường hội nhập, Nhà nước và doanh nghiệp không phải là hai đối tượng tách biệt, mà phải là "cùng hội cùng thuyền" trên mặt trận kinh tế nói chung.
Đích thân mời doanh nghiệp dự đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn lắng nghe tâm tư của doanh nghiệp |
"Muốn vậy phải chuyển từ một nhà nước quản lý thành một nhà nước phục vụ. Cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ được bàn về chiến lược quản trị. Những luật lệ như lâu nay không phải chỉ được đặt ra bởi ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước nữa.
Tôi nghĩ nếu được như thế thì trong quá trình phát triển chỉ cần những điều chỉnh nhỏ cho phù hợp, khỏi phải đối thoại hay năm nào cũng tháo gỡ vướng mắc. Tôi tin tưởng và kỳ vọng rất nhiều vào sự chỉ đạo của Thủ tướng sau buổi đối thoại sắp tới", ông Lĩnh phát biểu.
Muốn sân chơi lành mạnh
Doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT công ty CP Thạch Bàn miền Trung, Phó chủ tịch thường trực Hội doanh nghiệp quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) đứng ở góc độ doanh nghiệp nhỏ ở địa phương cho rằng, cái khó nhất đối với mình là thiếu nguồn vốn, thiếu thông tin.
Doanh nghiệp kỳ vọng chuyển từ một nhà nước quản lý thành một nhà nước phục vụ. Ảnh: Hoàng Long |
"Thiếu tiền thì không thể tiếp cận công nghệ máy móc hiện đại, rất khó để phát triển. Nhưng cái khó hơn đó là thiếu thông tin", ông Sơn nói.
Ông kỳ vọng Chính phủ, các bộ ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin về cơ hội đầu tư, thị trường ở các nước sau đó phổ biến cho doanh nghiệp trong nước tùy theo ngành nghề kinh doanh.
"Tôi lấy ví dụ một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, họ cần cả những thông tin về phong tục, nhu cầu ở các nước trên thế giới, nước nào, khu vực nào thì tiêu thụ loại cá nào. Nếu doanh nghiệp tự ‘bơi’ tìm kiếm thông tin sẽ rất tốn kém", ông nói.
Ông cũng chờ đợi được kiến nghị Chính phủ tạo sân chơi lành mạnh, công bằng để tất cả các doanh nghiệp cùng có cơ hội phát triển.
"Chính phủ không nên chỉ dành sự quan tâm cho một vài doanh nghiệp lớn, mà cần hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ".
Ông Sơn cho hay, dù chưa biết kết quả của buổi đối thoại tới sẽ như thế nào, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đều ấm lòng vì động thái này cho thấy sự quan tâm, cầu thị của Thủ tướng và Chính phủ đối với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp - Khách mời của Thủ tướng Đích thân mời doanh nghiệp tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng hội nghị sẽ truyền tải thông điệp: Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế. Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính: Các giải pháp về thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, xác định các rào cản do cơ chế, chính sách tạo ra và giải quyết các kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh do việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, sự nhũng nhiễu, những rào cản do chính quyền và cán bộ gây ra. Việc Thủ tướng sẽ họp với các bộ, ngành ngay sau hội nghị để giải quyết ngay các kiến nghị thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ trong giải quyết triệt để các vấn đề của doanh nghiệp. Tham dự hội nghị có các doanh nghiệp ngoài nhà nước và các hiệp hội (300 đại biểu), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hiệp hội nước ngoài (như phòng thương mại Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…), doanh nghiệp cổ phần hóa và doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã. |
Cao Thái