Trong tọa đàm “Việt Nam – Địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức”, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) chia sẻ Apple đã chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam.

Việt Nam là một trong những địa bàn sản xuất MacBook, AirPods, Apple Watch. (Ảnh: WSJ).

Theo danh sách nhà cung ứng toàn cầu năm 2022 của Apple, 25 nhà cung ứng đang đặt nhà máy tại nhiều tỉnh thành Việt Nam, chẳng hạn Advanced Semiconductor Engineering Technology, Lens Technology, LG Display, LG Innotek, Luxshare Precision, Murata Manufacturing, Samsung Electronics, Sharp…

Apple không tiết lộ số tiền chi cho mỗi nhà cung ứng và danh sách cũng thay đổi theo từng năm. Họ bao gồm các nhà thầu lắp ráp iPhone, iPad, đồng hồ, tai nghe không dây, cũng như các nhà cung ứng chip, kính, khung nhôm, cáp, bảng mạch và linh kiện khác.

Trước đó, theo Reuters, trong 5 năm tính đến 2019, Trung Quốc là vị trí đắc địa của các nhà cung ứng cho Apple, chiếm từ 44 đến 47%. Song tỉ lệ giảm còn 41% năm 2020 và 36% năm 2021. Ngược lại, Việt Nam tăng từ 2,2% lên 3,7% trong cùng kỳ.

Dữ liệu cho thấy Apple và các đối tác đang nỗ lực đa dạng hóa thông qua đầu tư vào các nước không phải Trung Quốc, trong đó Việt Nam là một điểm sáng. Theo DigiTimes, Việt Nam có thể sản xuất 20% iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.

Tháng 6/2023, Compal Electronics, nhà thầu sản xuất iPad và Apple Watch quan trọng, đã thuê đất ở Việt Nam để xây dựng nhà máy mới mở rộng công suất.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, Compal Electronics Việt Nam đầu tư vào khu công nghiệp Liên Hà Thái dự án chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị truyền thông, sản phẩm điện dân dụng, linh kiện điện tử.

Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 260 triệu USD, ước tính khi đi vào hoạt động doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2029 và 6,8 tỷ USD vào năm 2037.

Compal đã sản xuất các sản phẩm Apple tại Việt Nam với nhà máy ở Vĩnh Phúc. Các nhà máy lớn của hãng ở Trung Quốc đặt tại Trùng Khánh và Giang Tô, cũng như Phetchaburi tại Thái Lan, theo danh sách nhà cung ứng mới nhất của Apple.

Trong khi đó, Foxconn – một trong các nhà thầu lớn nhất của Apple – từng bước thực hiện kế hoạch phân bổ sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam. Foxconn hiện tuyển dụng hơn 60.000 nhân viên tại Việt Nam. Năm 2022, tập đoàn thông báo đầu tư 270 triệu USD để thành lập chi nhánh mới ở đây.

Theo thông tin mới nhất từ tờ Economic Daily News, Foxconn Industrial Internet (FII), công ty con của Foxconn, sẽ độc quyền cung ứng máy chủ sản xuất tại Việt Nam cho Apple để đào tạo và thử nghiệm các dịch vụ AI.

Foxconn là nhà cung ứng máy chủ dùng trong trung tâm dữ liệu lớn nhất của Apple. Tập đoàn chiếm khoảng 43% thị trường máy chủ toàn cầu.

Không chỉ nắm giữ vị trí ngày một quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất, Việt Nam còn là thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Apple tương đối nổi bật. Hồi tháng 5, sau khi mở cửa hàng trực tuyến Apple Store tại đây, đích thân CEO Tim Cook đã đăng tweet về sự kiện này. “Chúng tôi rất vui khi mang những gì tốt nhất của Apple đến với nhiều khách hàng hơn nữa trên toàn cầu”, ông viết.

Trong cuộc họp báo cáo tài chính tháng 7/2022, người đứng đầu “táo khuyết” cũng nhận xét Việt Nam nằm trong số các thị trường phát triển tốt nhất với mức tăng trưởng hai chữ số.

Với sự xuất hiện của Apple Store online, người dùng Việt Nam có thể mua iPhone, iPad từ cửa hàng chính hãng và được chăm sóc bằng đội ngũ sử dụng tiếng Việt.

“Khách hàng luôn là trọng tâm trong mọi hoạt động của chúng tôi, và chúng tôi rất phấn khởi khi ra mắt Apple Store trực tuyến tại thị trường Việt Nam”, bà Deirdre O’Brien, Phó Chủ tịch cấp cao mảng Bán lẻ của Apple chia sẻ.

Ngoài ra, Việt Nam còn là nước thứ ba trong khu vực Đông Nam Á được hỗ trợ Apple Pay.

Trong bài báo tiêu đề “Apple đặt cược vào một thị trường mới nổi tại châu Á”, trang tin Quartz nhận xét Apple đang tìm kiếm tăng trưởng tại các quốc gia dân số trẻ và hiểu biết về kỹ thuật số như Việt Nam. Tờ này còn dẫn các số liệu như ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế số hàng năm của Việt Nam là 40%, giá trị kinh tế số năm 2022 đạt 23 tỷ USD, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company.