Thông tin từ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), trong giai đoạn 2021-2025, kết quả ra soát hộ nghèo trên địa bàn huyện Chợ Mới liên tục giảm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân giảm trên 2%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 18,97% năm 2022 xuống còn 16,14% năm 2023. Đến đầu năm 2024, số hộ nghèo về còn hơn 1.600 hộ, hộ cận nghèo là hơn 1.100 hộ.
Quan tâm chăm lo công tác giảm nghèo, thoát nghèo, từ các nguồn lực, huyện Chợ Mới đã hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm, đa dạng mô hình sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài,… Các can thiệp hỗ trợ này đã giúp người dân nâng cao thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thoát nghèo bền vững.
Vợ chồng anh Nguyễn Trọng Thắng, hộ cận nghèo ở xã Bình Văn, không có đất canh tác, phải làm thuê, thu nhập bấp bênh. Được hỗ trợ con giống từ dự án chăn nuôi bò sinh sản, vợ chồng anh làm chuồng nuôi, tận dụng nguồn cỏ trong tự nhiên làm thức ăn cho bò. Được giúp sức bởi mô hình khá phù hợp, anh có thêm niềm tin về hướng đi phát triển kinh tế, nâng thu nhập cho gia đình, quan trọng là hai con của anh vững niềm tin được đến trường đầy đủ.
Cũng ở xã Bình Văn, chị Triệu Thị Chung tham gia mô hình hỗ trợ vốn hộ nghèo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi bò sinh sản. Gia đình chị nghèo, không có đất canh tác phải làm thuê. Với con bò sinh sản được hỗ trợ, chị sẽ có thêm thu nhập nhờ vào tiền bán bê con để ổn định cuộc sống gia đình.
Thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế phù hợp, đến nay xã Bình Văn có trên 59 con bò, trở thành vật nuôi chủ lực giúp cho các hộ dân nghèo, cận nghèo tăng thu nhập, ổn định sinh kế, vươn lên thoát nghèo và lập thân lập nghiệp.
Bình Văn là xã vùng cao có khí hậu thời tiết phù hợp với trồng cây hồi, chè, quế, thuốc lá. Những năm qua, địa phương đã tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của các loại cây trồng này, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Hiện Bình Văn có khoảng 40ha quế, 450ha cây hồi, trong đó có 280ha hồi cho thu hoạch. Năm 2023, giá hồi tươi bán ra thị trường là 37.000 đồng/kg, hồi khô là 90.000 đến 100.000 đồng/kg, đem lại cuộc sống ổn định cho bà con.
Song song với các mô hình nuôi gà, dê, trâu sinh sản, nuôi cá, năm 2024, huyện Chợ Mới đang tập trung phát triển một số cây đặc sản có thế mạnh như chè Shan tuyết, chè trung du, cây dược liệu (quế, hồi), cây ăn quả (cam, quýt, mơ)… nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập. Điều này là cơ sở để hộ nghèo có tự lực nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (như y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh, thông tin...), giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Đến nay, toàn huyện có hơn 98ha cây trồng trên đất lúa được chuyển đổi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; 430ha đất nông nghiệp đạt giá trị kinh tế hơn 100 triệu đồng/ha.
Tại xã Yên Hân, chính quyền và nhân dân đã và đang tập trung phát triển cây chủ lực là hồi, quế, chè Shan tuyết. Nhờ những cây trồng này đã giúp bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Gia đình anh Ma Quang Thảo, thôn Nà Đon, xã Yên Hân, là một trong những hộ trồng quế nhiều trong xã Yên Hân. Hiện gia đình anh có 3ha cây quế khoảng 10 năm tuổi và 4ha quế mới trồng. So với cây trồng khác, cây quế đem lại giá trị kinh tế cao bởi ngoài vỏ, các bộ phận khác của cây đều có thể bán.
Bên cạnh thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, huyện Chợ Mới còn đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giúp người dân tiếp cận các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản.
6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện Chợ Mới có 557 lao động được tạo việc làm mới, đạt 74,2% kế hoạch, trong đó có 44 người đi xuất khẩu lao động, đạt 80% kế hoạch. Người dân nghèo nơi đây cũng được chăm lo về y tế, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…