Trong lòng Thủ đô Hà Nội, lâu nay đã hiện hữu một cái chợ, họp duy nhất một phiên trong tuần, vào thứ bảy. Chợ mở lúc 9h30 phút sáng và kết thúc vào 12h30, trên địa bàn quận Tây Hồ, thu hút khá nhiều khách Tây sống ở Hà Nội và các vùng phụ cận, nhất là ở các phường: Quảng Bá, Quảng An, Nhật Tân, Nghi Tàm…
TIN BÀI KHÁC
Chóng mặt mỗi ngày ra chợ
Tiết lộ gia tài kếch xù của các đại gia 'tiền tài, mệnh mỏng'
53 tỉ phú Trung Quốc chết bất thường
Kinh hoàng lợn sữa quay
Phiên chợ đặc biệt
Xưa nay, người ta đã quen và đã biết đến các chợ đặc biệt như: Chợ một phiên, "chợ nhẩy", "chợ cách" và "chợ thụt lùi" nằm ở các khu vực biên giới phía Bắc. Các chợ này ra đời do điều kiện địa lý cũng như tập quán sinh hoạt của các dân tộc thiểu số. Hà Nội là chốn kinh kỳ, đô hội, lại do yếu tố gấp gáp về cuộc sống của nền kinh tế mở nên hầu như các chợ có mặt trên địa bàn đều nhóm họp suốt ngày.
Chợ đặc biệt thu hút nhiều ‘thương gia” người nước ngoài. |
Thế nhưng, cái nét quen của chợ ấy dường như lại chưa đúng với chợ Tây
này. Nằm bên con đường mang tên cố họa sỹ tài hoa Tô Ngọc Vân, qua mấy ngõ cua
quanh, khá vắng lặng, rợp đầy cây xanh, chợ tuần một phiên này nhóm họp khá ồn
ào và tấp nập. Chợ mở lúc 9h30 phút sáng và nhanh chóng kết thúc vào 12h30. Họp
một phiên duy nhất trong tuần, lại chỉ diễn ra trong vòng có 3 tiếng nên sự "dồn
nén" của chợ nổi bật hơn bao giờ hết. Từ sáng, khách vào chợ chủ yếu là người
nước ngoài. Họ tận dụng tất cả các phương tiện giao thông để đến chợ. Người ở xa
đi ô tô riêng, taxi, xe máy, người ở gần đi xe đạp, đi bộ.
Đây có lẽ cũng là chợ duy nhất của Thủ đô mà khách đến không mất phí gửi xe.
Phương tiện của khách đến, được thành viên trong chợ chỉ dẫn chỗ đỗ, để rất gọn
gàng. Cũng chẳng lo chuyện trộm cắp, nếu là ô tô chỉ cần đóng cửa, xe máy thì
thêm động tác khóa cổ, còn xe đạp thì… cứ việc để đấy.
Thương gia kinh doanh ở chợ cũng có nét khác biệt. Ngoài người Việt, chợ còn thu
hút các thương gia người nước ngoài. Đặc biệt, mua bán ở đây không phải mà cả vì
hàng hóa được bày bán đều được ghi nguồn gốc, có niêm yết giá. Khách cần mua thứ
gì, chỉ cần nhặt, cân rồi cho vào túi mang về mà không sợ bị cân điêu, bị "vặt"
giá, bị "chém" vì sự ngờ nghệch của mình.
Ấn tượng về phiên chợ "sạch"
Với một không gian khá khiêm tốn, khoảng 300m2, nhưng mọi quầy bán hàng đều được
sắp đặt ngăn nắp và khoa học. Ngoài các thực phẩm chín như gà quay, vịt quay,
patê, xúc xích… hoa quả tươi, rau xanh thì còn là sách, đồ chơi cho trẻ em.
Ngoài các loại thực phẩm được bày bán, ấn tượng nhất với khách là khu bán hàng
có tên Little Tigers (Những chú hổ con). Đây là chỗ bán hàng do một nhóm phụ nữ
nước ngoài tại Hà Nội xây dựng nên, với mục đích phi lợi nhuận. Hoạt động kinh
doanh của họ chủ yếu là bán các đồ hàng đã qua sử dụng để góp quỹ từ thiện, ủng
hộ trẻ em mồ côi, khuyết tật. Hàng hóa bán ở quầy hàng thuộc diện này giá cũng
rất rẻ. Không chỉ đến mua, khách đi chợ, cả khách Tây và ta, nếu là khách quen,
trước khi đi chợ đều chủ tâm mang đến một món đồ còn sử dụng được để quyên góp
cho gian hàng Những chú hổ con. Đó có thể là một cuốn sách, bộ quần áo cũ của bé
con, hay một món đồ chơi nào đó. Tất cả đều được tiếp nhận, bày bán và nguồn thu
này sẽ được đưa vào "nhật ký bán hàng", sử dụng một cách minh bạch và phù hợp
với điều lệ của tổ chức từ thiện.
Anh Tây này đang chăm chú giới thiệu sản phẩm của mình. |
Không chỉ "nổi tiếng" về thời gian nhóm họp hết sức đặc biệt mà phiên chợ này còn đang được coi là "phiên chợ sạch" theo rất nhiều ý nghĩa của nó. Ngoài việc "sạch sẽ" vì không bị thu tiền phương tiện, chợ còn nổi tiếng về cái sự "sạch" bằng những nụ cười của nhân viên bán hàng. Dù là đến chợ chơi, tìm hiểu, hay chỉ để xem giá đều được đối đãi nồng nhiệt. Chợ chỉ có tiếng cười vui giữa người bán và người mua, thân thiện vô cùng.
Không chỉ đẹp về hành vi, cách ứng xử mà phiên chợ này còn ngày càng thu hút khách bằng việc bán các mặt hàng sạch. Hàng hóa được bày bán ở đây đều có nguồn gốc và đều do các cơ sở có uy tín, được cấp chứng chỉ cung cấp. Nếu những điều trên không làm vừa lòng khách hàng, người bán sẽ "củng cố niềm tin" bằng việc thử ngay thứ sản phẩm mà bạn cần mua ấy. Rau xanh có nhiễm bẩn, có dư thừa kháng sinh, thịt các loại có nhiễm gì không… mọi thắc mắc của bạn sẽ được trả lời ngay tại chỗ.
Sẽ mở thêm chợ mới
Chị Phan Kim Nga, người thành phố Hồ Chí Minh, đã có trên 10 năm "di cư" ra Hà
Nội cho biết: Chợ được "khai sinh" từ ý tưởng của Công ty cổ phần Dịch vụ chăn
nuôi thú y châu Á. Hiện nay chợ đã thu hút trên 20 quầy hàng. Trong số này, có
rất nhiều quầy hàng của một số công ty bán sản phẩm để tài trợ cho một quỹ nào
đó, tập trung nhất vẫn là các quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi và trẻ em khuyết tật.
Với những nét hết sức "độc đáo" và khác với những phiên chợ Việt đã thấy, phiên
chợ này đang thu hút nhiều người tìm đến. Sắp tới, theo tâm nguyện của những
thành viên tham gia sáng lập, với những thành công ban đầu, họ sẽ tiếp tục khảo
sát để mở thêm một phiên chợ như thế này ở khu vực Trung Hòa - Nhân Chính. Ngoài
việc tiếp tục nhân rộng, cung cấp cho khách hàng các loại sản phẩm tiêu dùng an
toàn nhất thì cái cơ bản nhất là họ hy vọng sẽ có nhiều công ty, cá nhân khác
tham gia vào việc bán hàng, gây quỹ từ thiện từ hiệu quả của các phiên chợ đặc
biệt này.
(Theo Hà Nội mới)