Khi giúp đỡ ai đó "có vẻ" đáng thương hay bất hạnh, cũng là thời điểm chúng ta đang tự tạo ra nhiều cảm xúc tích cực cho bản thân.

Giao thừa cách đây 6 năm, tôi chở mẹ qua quận nhất xem bắn pháo hoa. Kết thúc màn trình diễn, khi qua cầu Tân Thuận để về nhà, tôi chú ý đến một bà cụ nằm co ro giữa dòng người qua lại. Cố gắng đi thật chậm để quan sát và tôi cứ chần chừ suy nghĩ, mình có nên dừng lại giúp bà cụ ấy hay không?

Tôi thực sự không nhớ rõ khi ấy mình đã nghĩ những gì. Rằng bà cụ đáng thương này có trong một đường dây chăn dắt nào đó hay không? Liệu có đường dây nào "làm việc" xuyên giao thừa như vậy? Mình có nên mời bà cụ về nhà một đêm cho bà đỡ tủi? Nếu mình dừng xe cho tiền bà cụ thì mẹ sẽ nghĩ gì và phản ứng ra sao?

Tôi cứ miên man suy nghĩ cả khi chạy qua chỗ nằm của bà cụ rất xa. Và cuối cùng, khi về đến nhà rồi tôi vẫn thấy trong lòng như có lửa. Cuối cùng, sau khi ăn uống chúc tụng với gia đình, tôi quyết định "ăn trộm" một ít xôi, gà, chè, đậu và lấy luôn cả cái chăn mình đang đắp rồi phóng xe quay lại chỗ bà cụ đang nằm.

{keywords}

Chủ trương của TP.HCM về việc không cho tiền người ăn xin đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa: Thiện An

Đặt "món quà đầu năm mới" rồi dúi cả tờ 100 ngàn mới coóng vào tay bà cụ, tôi lên xe chạy về nhà, tận hưởng một đêm giao thừa nằm co ro vì không có chăn đắp khi tiết trời Sài Gòn về đêm đầy hơi lạnh. Nhưng đó lại là giao thừa ấm áp nhất mà tôi có tính đến thời điểm bây giờ.

Cái cảm giác run rẩy sung sướng, e ngại và hạnh phúc lâng lâng là một trải nghiệm hết sức tuyệt vời mà đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được. Ngay khi viết ra những dòng này, cảm giác mà thời khắc ấy mang lại vẫn vẹn nguyên như vừa mới đêm qua. Bất chấp việc cuối cùng thì bà cụ trong đêm giao thừa năm đó có phải là người thực sự đáng thương hay không tôi cũng chẳng màng quan tâm nữa.

Nhờ vậy, tôi hiểu sâu sắc một điều rằng khi giúp đỡ ai đó "có vẻ" đáng thương hay bất hạnh, cũng là thời điểm chúng ta đang tự tạo ra nhiều cảm xúc tích cực cho bản thân. Nếu hiểu theo nghĩa hơi phàm tục, thì đó là một sự đổi chác, mua bán cảm xúc rất đời thường.

Tôi tự hỏi, tại sao mình sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé xem hài để đổi lấy cảm xúc vui vẻ, bỏ tiền mua vé xem bóng đá để đổi lấy cảm xúc tự hào, bỏ tiền ra coi cải lương để đổi lấy cảm xúc bi thương mà lại cho rằng cho tiền một ai đó là đang ban ơn cho họ? Như vậy liệu có công bằng? Thế còn cảm xúc hạnh phúc, hãnh diện, thoải mái mà hành động cho tiền người ăn xin mang đến cho bản thân mình thì trị giá bao nhiêu?

Thế nhưng, tất cả những cảm xúc tốt đẹp ấy chỉ có được khi việc cho tiền là tự nguyện. Và đó là mấu chốt của vấn đề.

Nếu một người ăn xin nào đó không khiến chúng ta rủ lòng thương mà tự phát giúp đỡ, mà họ lại cố tình tạo ra những phiền phức (thậm chí đuổi cũng không đi hay chửi bới lại người không cho tiền) thì rõ ràng việc "giúp đỡ" dù có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không mang lại được những cảm xúc tích cực. Thậm chí, còn là "mua sự bực bội vào người".

Theo phân tích này, chủ trương kêu gọi "không cho tiền người ăn xin" của thành phố Hồ Chí Minh mới đây rõ ràng nghe thì có vẻ đúng, nhưng ngẫm ra thì như thế vẫn chưa đủ. Mà một quyết sách khi chưa tính đến đủ các phương án, thì gây ra những phản ứng trái chiều.

Tôi cho rằng nếu một ai đó nhìn thấy bà cụ bán tăm bông, khoác chiếc áo mưa sờn cũ ngồi co ro giữa ngã tư đèn xanh đỏ giữa trời mưa như trút nước và rủ lòng thương để cho cụ vài chục một trăm thì đó là việc rất nên làm. Kể cả khi bà cụ đang có người chăn dắt, thì việc "mua bán cảm xúc" vẫn không ảnh hưởng và không phạm pháp. Hành vi cho tiền thể hiện sự không vô cảm của du khách với bà cụ (đối tượng A) cần được khuyến khích, còn hành vi chăn dắt của những kẻ cái bang và bà cụ (đối tượng B) mới là hành vi cần ngăn chặn.

Còn trong thực tế, có vẻ như các cơ quan quản lý vì chưa ngăn chặn được nhóm đối tượng B một cách hiệu quả nên đã chuyển qua phương án kêu gọi, khuyến khích ngăn chặn nhóm đối tượng A là chưa hợp lý, và cũng chưa thật hợp tình.

Chính quyền có thể kêu gọi người dân đừng cho tiền những người ăn xin có hành vi làm phiền, có dấu hiệu bị chăn dắt một cách rõ ràng. Thậm chí khuyến khích họ phản ánh lên đường dây nóng, và thưởng tiền cho việc đó cũng là một cách hiệu quả cần phát huy. Nhưng một ai đó dù bị "lừa phỉnh" bởi hoàn cảnh thương tâm và phát tâm thiện nguyện thì vẫn cứ là một việc nên làm. Còn xử lý về sau, cần tới chuyên môn, nhân lực, vật lực và hành lang pháp lý của các ban ngành đoàn thể, không nên đá quả bóng "trách nhiệm thẩm định" về phía người dân như vậy.

Xã hội chúng ta đã quá nhiều người vô cảm, có cần thiết tiếp tục khuyến khích triệt tiêu những hành động tốt đẹp xuất phát từ cảm xúc tình người như vậy hay không?

Nguyễn Ngọc Long 

Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định về việc đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội.  Theo đó, thành phố phổ biến đến người dân chủ trương “không cho tiền người xin ăn”. Người dân có lòng hảo tâm đóng góp thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức từ thiện xã hội TP...