Trên thị trường Hà Nội, món càng cua đồng đang “bốc hỏa” với mức giá lên tới 350.000 đồng/kg. Khan hiếm nên muốn thưởng thức món này, người dân chỉ còn cách đi chợ từ rất sớm hoặc đặt trước từ nhiều ngày trước đó.

Khan hiếm và sốt giá

Càng cua đồng lại trở nên khan hàng và sốt giá, có thời điểm lên tới 350.000 đồng/kg. Theo bà Lan, bán cua đồng tại chợ Đồng Xa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, càng cua đồng đang đắt gần gấp đôi thịt bò, từ 320.000 - 350.000 đồng/kg nhưng người đổ mối không nhiều nên nhập đến đâu là bán hết đến đó. Vì thế, nếu ai muốn mua phải đi từ sáng sớm hoặc dặn trước thì bà mới để lại cho vì “các nhà hàng rất khoái món này”. Khi tôi thắc mắc, vì sao càng cua lại đắt trong khi cua đồng loại cả con lại giảm giá, bà Lan chia sẻ: “Càng cua cực kén khách, không phải ai cũng ăn được. Còn người có điều kiện ăn được thì họ luôn sẵn sàng mua. Hơn nữa, các nhà hàng cũng có khách sộp chuộng món này nên thường phải đặt trước”.

{keywords}

Người mua chần chừ, chọn lựa kỹ lưỡng khi mua cua đồng

Giải thích về chuyện “sốt” càng cua đồng, anh Nguyễn Văn Trình - Bếp trưởng một nhà hàng ở Trần Thái Tông, Hà Nội cho hay: “Càng cua là chỗ nhiều thịt nhất của con cua. Nó mang lại “giá trị dinh dưỡng cao với đầy đủ các nhóm vitamin B và khoáng chất như: sắt, kali, canxi”... đồng thời là “vị thuốc quý” đặc biệt rất tốt cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu canxi, chậm biết đi, biếng ăn, trướng bụng...”.

Mặt khác, nó còn là món ăn khoái khẩu của các thực khách, với những cách chế biến đa dạng và vô cùng hấp dẫn như: hấp, rang muối, xào sả ớt, sốt chua ngọt, tẩm bột chiên giòn hay làm lẩu, súp... Nhưng cái chính khiến các nhà hàng đua nhau thu mua là càng cua đồng luôn để được lâu hơn so với nguyên con hoặc xay nhuyễn. “Nếu bảo quản đông lạnh, trung bình cả con chỉ để được 1 tuần, cua xay để được 10 ngày còn càng cua có thể để được nửa tháng”.

Anh Trình cũng bật mí thêm, nếu chẳng may cua có mùi lạ thì “càng của nó cũng dễ sơ chế nhất, chỉ cần ngâm qua nước lạnh rồi cho gừng rượu vào thì sẽ trở nên thơm ngon, tươi mới”. Vì thế, dù có giá trên trời, càng cua vẫn được các nhà hàng tranh nhau thu mua.

{keywords}

Bếp trưởng Nguyễn Văn Trình lý giải về cơn sốt càng cua.

Trong khi càng cua đồng đang sốt hàng, bán chạy dù giá cao thì cua đồng thịt lại bị khách ngó lơ dù giá giảm. So với những tháng trước, giá cua đồng đã giảm một cách đáng kể. Nếu như đầu mùa, giá bán lẻ tại các chợ dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg thì thời điểm hiện tại chỉ còn 120.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại lớn nhỏ. “Trước đây vào thời gian này, hàng trăm kg cũng hết nhưng bây giờ ế lắm, mỗi ngày bán được vài yến là mừng lắm rồi”, bà Lan ngậm ngùi.

Quả thực, dạo quanh một số chợ ở Hà Nội như: Thành Công, Ngọc Khánh, Nghĩa Tân, Cầu Diễn, Nhổn... tình trạng buôn bán cua đồng cũng không mấy khả quan. Đã xẩm tối nhưng các hàng cua vẫn còn đầy ắp. Có khách bước vào, các hàng đua nhau mời chào: “Từ sáng tới giờ bán được có vài cân, lấy hộ chị ít nhé, chị sang tay cho, còn về”. Nhìn không khí ảm đạm ở các khu chợ, rõ ràng tình trạng buôn bán không khá khẩm là mấy. Mặc cho cua đồng liên tục xuống giá nhưng bán rất chậm.

Bà Chung, một người chuyên buôn bán cua ở chợ Nhổn, quận Bắc Từ Liêm cho hay: “Mặc dù đang vào chính vụ nhưng lượng hàng cung ứng từ các đầu mối ở Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng... cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.” Vì thế hầu hết cua đồng đưa ra Hà Nội chủ yếu nhập từ miền Trung và miền Nam. Trong khi đó, cua miền trong “vừa hôi, vừa tanh, không ngọt thịt” nên giá có rẻ đi một nửa người mua vẫn từ chối, chủ yếu nhập lại cho các nhà hàng.

Lý giải về điều này bà Chung cho biết thêm: “Cái chính là cua miền trong chủ yếu được đánh bằng thuốc nên yếu lắm, để một lúc là chết hàng loạt thì ai dám mua. Có trót nhập về cũng chỉ còn cách xay nhuyễn ra hoặc đổ lại cho các nhà hàng với giá rẻ”.

Mặt khác, thời gian gần đây bà con sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón nên sản lượng cua, cá trong tự nhiên giảm đáng kể. Nắm bắt được điều này các trang trại nuôi cua đồng đua nhau mọc lên. Và dĩ nhiên “cua nuôi” sẽ biến thành “cua đồng” khiến người mua không khỏi hoang mang, lo lắng. Bởi từ trước đến nay, người tiêu dùng thường có tâm lý ái ngại với những gì “nhân tạo”.

Đó cũng là lý do vì sao, vài năm trở lại đây nhiều người lại dè dặt với món dân dã này. Dù đã ngắm nghía kỹ càng, xem xét tất cả các hàng, chị Minh vẫn chần chừ, do dự khi quyết định chọn mua món khoái khẩu. Vì lo thật giả lẫn lộn, “cua nuôi biến thành cua đồng, cua đồng thì bị đánh thuốc nên dù rất thích nhưng nhà mình cũng ít ăn món này” - chị Minh cho biết.

(Theo Gia Đình & Xã Hội)