Nhiều nhà văn, nhà báo, ca sĩ, nhạc sĩ của Sài Gòn trước năm 1975 đều có mặt và trở nên quen thuộc tại quán này.

Tôi đã sống gần trọn một đời người rong ruổi từ Nam chí Bắc vẫn chưa gặp một quán cơm nào được nhiều người thương mến như quán cơm Bà Cả Đọi. 

Là một người tha hương đất khách bà Cả mưu sinh bằng tình người và cả tấm lòng nhân hậu để đến bây giờ, tuy bà không còn nhưng vẫn nhiều người vẫn nhớ và ngưỡng mộ.

Tấm lòng người phương Bắc

Quán Bà Cả thuộc con hẻm 53 đường Nguyễn Huệ, không có biển hiệu. Khách bước lên cầu thang vào một căn phòng rộng chừng 50 - 60m2 ở đó có có bày biện vài bàn và một tấm phản rộng. 

Những nhóm đi đông thì leo lên phản. Các bàn thì chỉ dành cho nhóm ít người. Ở ngay chỗ bậc cấp dẫn lên có một bàn chỉ đủ cho một người ngồi ăn. Đây cũng là nơi cư ngụ của gia đình bà.

{keywords}

Bước lên cầu thang này là quán cơm Bà Cả Đọi

Cái tên Bà Cả Đọi thật ra không phải xuất phát từ gia đình bà mà do chính những thực khách thân thuộc đặt cho. Không biết xuất phát từ nguyên nhân nào mà quán của bà luôn đông khách, nhất là giới văn nghệ sĩ. Nhiều nhà văn, nhà báo, ca sĩ, nhạc sĩ của Sài Gòn trước năm 1975 đều có mặt và trở nên quen thuộc tại quán này.

Bà Cả có tên thật là Hoàng Thị Túc, người làng Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà và gia đình vào Nam từ năm 1948, khi đi bà có mang theo bộ phản gõ.

Trước khi về hẻm 53, bà Cả bán cơm trên đôi quang gánh phía bên kia đường đối diện với hẻm. Nhiều người không thể quên được nụ cười nhân hậu của bà khi bới đĩa cơm trao cho khách. 

Nếu khách là những sinh viên, nghệ sĩ, công nhân, lái xe đôi khi mang bộ mặt buồn thiu đến với bà đều được bà ưu ái: "Các cháu cứ ăn đi, ghi sổ hôm nào có tiền trả cũng được". Cuốn sổ nợ của bà dày cộm những cái tên.

Các con nợ của bà theo thời gian, công thành danh toại nhớ lại lúc nghèo khổ được bà cho ăn chịu, tự thấy mình mang ơn bà nên họ cũng thường lui tới.

Bán gánh một thời gian, bà chuyển về hẻm 53 và dùng nơi đây để tiếp tục bán cơm. Lúc này khách của bà càng đông hơn. Nhóm nhà văn, nhà báo kéo đến khá đông. 

Nhạc sĩ Trường Kỳ, một trong những người tiên phong khai sinh phong trào nhạc trẻ Sài Gòn, thường gọi đùa quán cơm của bà là quán Bà Cả Đọi. Chữ "đọi" tiếng lóng có nghĩa là đói. Bà Cả Đọi không phải là Bà Cả Đói nhưng chính chữ "đọi" ở đây đã nói lên được tình cảm của những người khách đến quán bà. 

Mỗi khi hết tiền (đói) thì ghé qua đây ăn bữa cơm vừa rẻ vừa no. Có lẽ từ đó, quán cơm Bà Cả Đọi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trở nên quen thuộc ...

Chốn quen của người Bắc

Ngày ấy tại quán cơm của bà, thường xuyên có một cụ bà người Pháp ngồi ăn một mình. 

Bà chỉ ăn duy nhất một tô canh rau đay và một đĩa cơm. Món canh này là món của người Bắc và dĩ nhiên quán của bà bán các món ăn vời đầy đủ hương vị đặc trưng miền Bắc.

Những người Bắc tha hương vào miền Nam với những bỡ ngỡ, xa lạ từ khí hậu đến phong tục tập quán, đồ ăn. Bởi vậy, quán Bà Cả Đọi được ví là cả một "vùng trời quê hương" với họ. 

Họ dễ dàng tìm thấy những món ăn rất hợp khẩu vị và nhất là không có vị ngọt đặc trưng như món ăn miền Nam.

{keywords}

Bà Cả Đọi khi còn sống và con cháu. Ảnh: Người lao động

Các món như thịt đông, thịt heo nấu giả cầy, tàu hủ chiên, dồi trường, rau muống xào, trứng non, trứng đúc thịt, canh cua rau đay, cá bống kho tiêu mỡ, ốc nấu chuối... được bà bày trong quầy. Ai muốn ăn gì thì cứ chỉ. Đặc biệt một món không thể thiếu ở bất kỳ một quán người Bắc nào là dưa chua, cà pháo chấm mắm tôm.

Buổi trưa, quán Bà Cả khá đông khách. Diện tích quán hẹp nên khách đến sau thường phải chờ khi có chỗ trống mới lên. Chờ đợi như thế nhưng không ai phàn nàn.

Nhà văn Từ Kế Tường cũng đã ghi lại cảm tưởng của mình trong một bài viết về quán cơm Bà Cả Đọi.

Ông viết: "Tôi và bạn bè trong cánh nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ thường xuyên “đóng đô” ở quán Bà Cả Đọi đến nỗi, bà chủ quán mặt khó đăm đăm, ít thấy cười. Bà không cần hỏi chúng tôi ăn gì mà vẫn “chế biến” hợp khẩu vị và cứ thế người nhà của quán tự động mang ra. 

Lâu ngày tôi mới ngẫm ra rằng, quán cơm bụi Bà Cả Đọi nổi tiếng khắp Sài Gòn tới tận miền Tây, miền Trung trước hết là nhờ… không khí, một thứ không khí đặc trưng của quán mà không nơi nào có được. 

Nó không phải sang trọng như nhà hàng máy lạnh mà là sự chật hẹp gần gũi, thân tình, đầy mùi vị của thức ăn và... lửa khói. Không gian chật hẹp mà bài trí lại giống như nhà mình. Tường vách bụi bám, nhện giăng, cánh quạt lúc nào cũng rè rè nghe rất quen thuộc và người ta… nghiện cái không khí ấy, nếu vài ba ngày không được quay lại thì đâm ra nhớ nhung, ngơ ngẩn".

Sau 1975, quán cơm Bà Cả Đọi tiếp tục duy trì tại hẻm 53 Nguyễn Huệ thêm vài năm nữa rồi đóng cửa. Bà Cả lúc bấy giờ tuổi đã cao, sức đã yếu. Con bà tiếp tục bán cơm nhưng chuyển về 2 địa điểm trên đường Tôn Thất Thiệp và Trương Định. 

Ở 2 quán này vẫn bán đúng như cung cách xưa và ở mỗi quán đều có tấm biển nhỏ Cơm Bà Cả. Những người khách năm xưa vẫn thường ghé lại, nhằm tìm lại chút dư vị của một thời đã qua.

Đầu năm 2016 bà Cả mất, hưởng thọ 86 tuổi.

Trần Chánh Nghĩa