Chia sẻ với báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng trong ngày khai mạc 26/1, nhiều đại biểu gửi gắm kỳ vọng về công tác  xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó có công tác cán bộ.

Bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung để khơi dậy tinh thần đổi mới

Đại biểu Nghiêm Xuân Thành, Đảng ủy khối các doanh nghiệp Trung ương bày tỏ rất tâm đắc với dự thảo Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày.

Báo cáo xác định rõ động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đó là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng của mọi người dân đưa đất nước ta phát triển phồn thịnh. 

{keywords}
Ông Nghiêm Xuân Thành.

Từ đó, dự thảo báo cáo đã xác định là cần có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp về bảo vệ người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức vì lợi ích chung.

“Tôi cho rằng điều đó là hết sức quan trọng để tạo ra và khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả", đại biểu Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho rằng, để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội chúng ta phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.

{keywords}
Ông Đỗ Trọng Hưng.

Muốn như vậy phải có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Vấn đề này được đề cập trong dự thảo báo cáo chính trị lần này có thêm “dám nói”.

“Dám nói là dám đương đầu, tôi cho rằng đây là vấn đề rất mới về mặt lý luận, thực tiễn. Để có những đột phá, sự phát triển thì phải có những cán bộ như vậy”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh.

Để cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, theo ông Hưng, chúng ta phải có cơ chế bảo vệ cán bộ. Hiện nay, Trung ương, Bộ Chính trị đang chỉ đạo xây dựng quy chế về vấn đề này và chắc chắn tới đây sẽ được thông qua.

Để thực hiện chủ trương này, phải đánh giá cho sát, tức là phải đánh giá rõ, cán bộ nào dám nói, dám nghĩ, dám làm vì cái chung phải bảo vệ; còn ai dám làm nhưng làm trái, làm sai thì chắc chắn đi ngược lại điều lệ, quy định là không được.

“Dựa trên các quy định, quy chế và qua các đánh giá của tập thể, nhân dân chắc chắn sẽ phân biệt ai vì cái chung, ai là chủ nghĩa cá nhân. Đánh giá cán bộ là công việc của tập thể, trước hết là người đứng đầu”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nói.

Tin tưởng và kỳ vọng

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long đánh giá cao việc Văn kiện xác định cán bộ là “then chốt” trong sự phát triển để xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu công tác.

{keywords}
Ông Bùi Văn Nghiêm

Theo ông Nghiêm, cán bộ phải chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Công việc muốn tốt hơn, thông suốt hơn thì từng cán bộ phải tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ.

Các đơn vị, tổ chức phải rà soát, bổ sung đội ngũ cán bộ kế cận thường xuyên để có hướng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng. Không những vậy, còn phải quản lý chặt chẽ cán bộ, không để xảy ra vi phạm.

Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc quy trình giới thiệu cán bộ từng cấp, đảm bảo đúng quy trình, quy định, trình độ, năng lực chuyên môn công tác.

Đại biểu Lê Văn Dũng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhìn nhận, trong nhiệm kỳ qua công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác tổ chức cán bộ nói riêng, đạt được nhiều kết quả to lớn.

{keywords}
Ông Lê Văn Dũng

“Đặc biệt, công tác tổ chức cán bộ đã góp phần rất quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng  nhiệm kỳ qua. Tôi nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để Đảng ta tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ này trong nhiệm kỳ tới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái nhắc đến mục tiêu dài hạn đến năm 2045 đất nước ta sẽ thành một đất nước phát triển, có thu nhập cao và khẳng định: “Tôi rất kỳ vọng rằng Đại hội XIII của Đảng sẽ lựa chọn được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, đủ bản lĩnh chính trị, đủ đạo đức, uy tín và năng lực và đặc biệt là luôn đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của quốc gia lên trên hết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới". 

Với niềm tin và khát vọng như tinh thần của Đại hội lần này, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái tin chắc rằng: Nước Việt Nam sẽ trở thành một nước phồn vinh và hạnh phúc. 

Thu Hằng - Trần Thường - Hồng Nhì - Phạm Hải

Ông Trần Quốc Vượng: Chống tham nhũng có bước tiến đột phá

Ông Trần Quốc Vượng: Chống tham nhũng có bước tiến đột phá

Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đọc, khẳng định, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá, khắc phục dần tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".