Hàn Quốc là một trong 3 quốc gia có tỷ lệ nam giới tham gia nuôi dạy con cái thấp nhất, bên cạnh Nhật Bản, Ba Lan và có tỷ lệ sinh thấp nhất, theo một nghiên cứu của nhóm thuộc Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu mối quan hệ giữa việc chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy trẻ, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động và tỷ lệ sinh ở các quốc gia thành viên OECD, theo Chosun Ilbo.
Nghiên cứu cho thấy các quốc gia có sự tham gia tích cực của phụ nữ vào lực lượng lao động ghi nhận tỷ lệ sinh tăng.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng trình độ học vấn không liên quan đến mong muốn có con của phụ nữ.
Trong khi đó, các quốc gia có tỷ lệ nam giới tham gia nuôi dạy con cái thấp ghi nhận xu hướng sinh giảm. Cụ thể, những nước có tỷ lệ nam giới tham gia nuôi dạy con cái cao như Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ có tỷ lệ sinh từ 1,8 trẻ trở lên trong khi các nước có tỷ lệ các ông bố hỗ trợ chăm sóc nuôi dạy con thấp như Cộng hòa Czech, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan và Slovakia chỉ ghi nhận xu hướng tỷ lệ sinh dưới 1,5.
Báo cáo sử dụng dữ liệu từ năm 2005 đến 2015. Kể từ đó, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thậm chí giảm hơn nữa, xuống 0,81 trẻ em/phụ nữ vào năm 2021, khiến nước này trở thành quốc gia thành viên OECD đầu tiên có tỷ lệ sinh giảm xuống dưới 1.
Các nhà nghiên cứu cho biết ở những quốc gia có tỷ lệ nam giới tham gia nuôi dạy con thấp, khả năng phụ nữ không sinh con thứ 2 cao hơn. Bên cạnh đó, việc cân đối sự nghiệp của phụ nữ và gia đình cũng rất quan trọng để thúc đẩy sinh nở. Báo cáo chỉ ra 4 yếu tố quyết định là chính sách gia đình, sự hợp tác của người bố, các chuẩn mực xã hội không còn khắt khe và thị trường lao động linh hoạt.
Một cuộc khảo sát của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc vào năm 2021 cho thấy một bà mẹ làm nội trợ có con dưới 12 tuổi dành 3,7 tiếng chăm sóc con mỗi ngày, so với chỉ 1,2 tiếng ở người bố. Ở những gia đình cả hai vợ chồng đều đi làm, phụ nữ dành ra 1,4 tiếng trong khi đàn ông là 0,7.
Khoảng 68,9% hộ gia đình chỉ có một người đi làm cho biết người mẹ thường đảm đương hầu hết việc nhà và chăm sóc con cái, trong khi con số này là 60% ngay cả ở các gia đình vợ chồng đều đi làm.
“Do quan điểm truyền thống đối với việc nuôi dạy con cái và nội trợ, phụ nữ phải đối mặt thêm gánh nặng. Điều này khiến họ không mặn mà với việc sinh con", Park Sun-young thuộc Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cho biết.
Theo Zing