Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua càng ngày càng cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên Trái Đất. Từ lâu, cộng đồng quốc tế đã nhận thấy hạn hán và sa mạc hóa là vấn đề rất rộng, liên quan tới cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tháng 6/1992, Công ước Chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro (Brazil). Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố lấy ngày 17/6 hàng năm để kỷ niệm Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán, đánh dấu ngày thông qua Công ước chống sa mạc hóa. Đến năm 2019 có tổng cộng 197 thành viên bao gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế.

{keywords}
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và tái cơ cấu ngành chính là giải pháp căn bản để chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Công ước Chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCCD) với mục tiêu là chống sa mạc hóa, suy thoái đất và giảm thiểu tác hại của hạn hán ở các vùng bị sa mạc hóa và suy thoái đất nghiêm trọng, áp dụng các biện pháp có hiệu quả và sự trợ giúp quốc tế để giúp các nước bị ảnh hưởng bởi thoái hóa, sa mạc và hạn hán phát triển bền vững.

Công ước nhằm vào các mục tiêu cụ thể: xây dựng các chương trình quốc gia, tiểu vùng và vùng để phòng chống khô hạn và sa mạc hoá; kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính cho việc chống sa mạc hóa; trao đổi thông tin, kỹ thuật và đào tạo về chống sa mạc hóa; ngăn chặn hậu quả sa mạc hóa dẫn đến di cư ồ ạt, các loài động thực vật bị tiệt chủng, khí hậu thay đổi.

Các thành viên khi tham gia Công ước có các nghĩa vụ chính bao gồm: xây dựng một phương pháp đồng bộ nhằm giải quyết các vấn đề về lý học, sinh học, kinh tế-xã hội của quá trình sa mạc hóa; quan tâm đến các nước đang phát triển hiện đang bị ảnh hưởng bởi sự sa mạc và khô hạn, tình trạng buôn bán quốc tế, nợ nước ngoài, để xây dựng một nền kinh tế bền vững.

Các nước thành viên kết hợp chiến lược xoá đói, giảm nghèo với phòng chống sa mạc hóa; tăng cường hợp tác giữa các nước bị sa mạc và hạn hán để bảo vệ môi trường, nguồn đất và nước. Các nước thành viên tăng cường sự hợp tác quốc tế, vùng và tiểu vùng; hợp tác giữa các tổ chức liên chính phủ; thành lập các tổ chức cần thiết, tránh sự trùng lặp; tăng cường sử dụng hệ thống tài chính song phương và đa phương hiện có để có thể huy động và hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa và hạn hán.

Việt Nam tham gia và ký kết Công ước từ năm 1998 là thành viên thứ 134 của Công ước. Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Chống sa mạc hóa là Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Để thực hiện trách nhiệm thành viên và yêu cầu của Công ước Chống sa mạc hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020.

Chương trình đã thực hiện được một số nội dung: hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên rừng và tài nguyên nước để phòng, chống sa mạc hóa; nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống sa  mạc hóa; điều tra, đánh giá thực trạng sa mạc hóa và nghiên cứu xác định nguyên nhân chủ yếu gây sa mạc hóa, đề xuất giải pháp phòng, chống sa mạc hóa tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng Kế hoạch Khô hạn quốc gia và sẽ điều chỉnh, cập nhật Chương trình hành động quốc gia về phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 và Đề án xác định mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất quốc gia giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và tái cơ cấu ngành chính là giải pháp căn bản để chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam.

Đến nay Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha, hệ số che phủ đạt 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%).

Năm 2020, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt hơn 0,26 triệu ha, giảm 3,2% so với năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 94,6 triệu cây. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.464,3 ha, giảm 45,6% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 645,3 ha, giảm 67,8%; diện tích rừng bị chặt phá là 819 ha, tăng 19,4%./.

Hoài Thanh