Tiến ra biển, làm chủ biển, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển để làm giàu từ biển là xu hướng tất yếu của nhân loại trong thế kỷ 21 - Thế kỷ của đại dương. Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các nước có biển và nhiều nước không có biển đều quan tâm xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan nhằm hiện thực mục tiêu chiến lược đó. Vấn đề lớn là ở chỗ làm sao để phát triển bền vững kinh tế biển, không làm ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường biển; làm thế nào để huy động sự chung tay vào cuộc tích cực của Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là của cộng động nhân dân ven biển, các bên liên quan trong công tác bảo tồn biển nhằm phát triển bền vững kinh tế biển.

W-anhminhhoa-7.png
Ảnh minh hoạ

Bởi vậy, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres coi Hiệp ước Biển cả là một "chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và của những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương". Ðây cũng được coi là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30x30, được các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Ða dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal (Canada) tháng 12/2022.

Đến nay, Việt Nam đã ký, tham gia nhiều cam kết quốc tế chung liên quan đến bảo tồn biển, kinh tế biển xanh và bền vững, trong đó phải kể đến là: (1) Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG-14): “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, vùng biển và các nguồn tài nguyên biển để phát triển bền vững”; (2) cam kết “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050; (iii) tham gia Liên minh Đại dương toàn cầu (GOA) để bảo vệ ít nhất 30% đại dương thế giới vào năm 2030 thông qua một mạng lưới các khu bảo tồn biển (MPAs) và các phương cách bảo tồn hiệu quả khác (OECMs); (iv) tham gia Hiệp định về Biển cả: bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia; (v) cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm; loại bỏ đánh bắt cá bất hợp pháp IUU; (vi) các Công ước quốc tế mà nước ta là thành viên gắn với nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ biển.

Để triển khai các cam kết đã ký, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra một trong 05 quan điểm xuyên suốt “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển...”; 05 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó đã xác định: (1) Về các chỉ tiêu tổng hợp: Các chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức thuộc nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến biển, đảo được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển.

Việc thực hiện quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng cùng với triển khai các cam kết quốc tế nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy công tác bảo tồn biển, trọng tâm là bảo tồn đa dạng sinh học biển, trong đó có việc thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển nhằm phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam.

Mỹ Hoà và nhóm PV, BTV