Nhiều nam thanh niên tại Trung Quốc phàn nàn rằng truyền thống thách cưới đã khiến họ hầu như không thể cưới vợ.
Chú rể phải bỏ ra hàng tỷ đồng để lấy được vợ. (Ảnh: QQ) |
Một cô dâu ở miền nam Trung Quốc đã trở thành một hiện tượng trên internet sau khi có thông tin rằng chồng tương lai của cô đã đưa cho bố mẹ cô 6 triệu NDT (khoảng 21 tỷ đồng) để cưới cô về làm vợ.
Cha mẹ cô sau đó cũng đã trao cho cô 10 triệu NDT(35 tỷ đồng) và một chiếc máy bay nhỏ cho nhà trai như một món hồi môn, SCMP đưa tin.
Các bức ảnh về đám cưới của một cặp tân lang, tân nương ở thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội với nhiều cư dân mạng nói rằng họ đã bị sốc khi biết về số tiền liên quan tới đám cưới này. Tuy nhiên, không có chi tiết nào thêm về gia thế của cặp đôi.
Một cô dâu khác đến từ Phủ Điền cũng gây tranh cãi trên mạng với mức giá thách cưới là 3,8 triệu NDT
(hơn 11 tỷ đồng).
Theo truyền thống, các chú rể tại Trung Quốc phải tặng một món quà cho cha mẹ cô dâu – thường là tiền mặt – để xin phép được kết hôn với con gái họ.
Một thống kê về mức thách cưới do tập đoàn bất động sản Vanke chi nhánh Trùng Khánh và kênh bất động sản của tập đoàn truyền thông Sina đưa ra cách đây ba năm cho thấy hầu hết những chàng rể phải đưa tới hàng chục ngàn nhân dân tệ cho cha mẹ cô dâu. Thượng Hải đứng đầu danh sách với mức giá cô dâu là 1 triệu NDT (3,5 tỷ đồng).
Nhiều nam thanh niên đã phàn nàn rằng truyền thống thách cưới đã khiến họ hầu như không thể cưới vợ.
Dahe Daily dẫn lời Zhang Mingsuo, một chuyên gia xã hội học tại Đại học Trịnh Châu, cho biết việc thách cưới truyền thống ở những vùng nông thôn được cha mẹ cô dâu tính vào chi phí hỗ trợ họ trong những năm tháng tuổi già sau khi họ đã bỏ ra một số tiền lớn để nuôi nấng con gái.
Tuy nhiên, khi đời sống vật chất ngày càng tăng lên, số tiền dùng để thách cưới đã tăng chóng mặt và ý nghĩa ban đầu của nó đã bị bóp méo, ông Zhang nói.
Con cái chăm sóc cha mẹ già là một truyền thống tại Trung Quốc. Hệ thống an sinh xã hội, bao gồm tiền lương hưu và bảo hiểm y tế, thường không đủ để hỗ trợ cho người cao tuổi, đặc biệt là khi họ ốm đau.
Chính sách một con kéo dài mấy chục năm và chỉ được dỡ bỏ vào năm ngoái, cũng gia tăng gánh nặng lên những đứa con phải chăm sóc cha mẹ già của mình.
- Sầm Hoa