Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, bày tỏ sự quan ngại việc tỉnh này chấp thuận dự án nhà máy thép công suất hàng trăm ngàn tấn ở lưu vực sông Vu Gia.

Văn bản số 8212/UBND – TNMT cho rằng, Đà Nẵng vừa biết thông tin tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương cho phép đầu tư Dự án nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp quy mô 180.000 tấn/năm tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.

Vị trí xây dựng nhà máy thép thuộc lưu vực sông Vu Gia hiện đang cung cấp khoảng 250 ngàn m3/ngày đêm cho Nhà máy nước Cầu Đỏ thành phố Đà Nẵng, chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng.

“Chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng hết sức quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của thành phố Đà Nẵng”, trích văn bản Đà Nẵng gửi Quảng Nam.

{keywords}

Người dân Quảng Nam tụ tập phản đối tình trạng gây ô nhiễm môi trường trước nhà máy thép Việt Pháp ở Điện Bàn.

UBND Đà Nẵng cho biết, hai địa phương có ký kết hợp tác, hỗ trợ, trong đó thống nhất các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải được xem xét, lấy ý kiến của hai địa phương và các cơ quan Trung ương có liên quan.

Do đó, Đà Nẵng muốn được Quảng Nam chia sẻ thông tin về dự án, nhưng tác động đến môi trường lưu vực sông Vu Gia, để giải thích với nhân dân TP Đà Nẵng.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương này đã thống nhất cho Cty TNHH Thép Việt Pháp khảo sát đầu tư nhà máy luyện cán thép tại Nam Giang, diện tích hơn 17ha.

Tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, dự án luyện cán thép của Việt Pháp chủ yếu sử dụng nguyên liệu là sắt thép phế liệu để nấu, không sử dụng quặng và than cốc.

Cũng tại Quảng Nam, người dân từ lâu đã bức xúc với tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy thép Việt Pháp đặt ở Cụm công nghiệp Thương Tín (TX. Điện Bàn).

UBND Quảng Nam có kế hoạch di dời nhà máy này khỏi khu đông dân cư. Tuy nhiên Cty TNHH Thép Việt Pháp đề nghị địa phương hỗ trợ gần 124 tỷ đồng mới di dời.

Cao Thái