Liên quan đến thông tin Hà Nội cấm xe máy, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 8 (bất thường) của HĐND TP sáng nay, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung nói: “Vừa qua có một số ý kiến cá nhân của đồng chí Giám đốc Sở GTVT, còn TP chưa đưa ra quyết định này”.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Ông Nguyễn Đức Chung nêu quan điểm, với thu nhập của người dân Hà Nội cũng như người Việt Nam thì vẫn đang sử dụng một tỷ lệ xe máy rất lớn.
“Hiện TP có gần 6 triệu xe máy, cho nên giải quyết cấm hay hạn chế xe vào từng khu vực phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng”, ông Chung thông tin.
Theo lãnh đạo TP, trên cơ sở đó, toàn bộ phương án này phải được công bố công khai cho người dân, tạo sự đồng thuận. Nhưng trên cơ sở nền tảng là TP phải phát triển được đủ phương tiện công cộng để cho người dân đi lại.
Chủ tịch Hà Nội cũng nhấn mạnh, phải tuyên truyền để người dân Hà Nội có tác phong, thói quen khi di chuyển trong phạm vi từ 1 - 1,5km đổ lại thì nên đi bộ.
“Thời gian tới chúng tôi sẽ đánh giá lại toàn bộ và công khai tất cả những nội dung này. Vừa qua báo chí, một số người bình luận thì đây chỉ là ý kiến cá nhân của Giám đốc Sở GTVT, chưa phải ý kiến chính thức của UBND TP”, ông Chung tái khẳng định.
Cấm xe máy theo lộ trình
Trước đó, trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, TP sẽ thí điểm việc dừng xe máy trên một số tuyến. Sở đang lựa chọn, như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau khi đưa vào thực hiện có thể lựa chọn 1 trong 2 tuyến để dừng hoạt động xe máy là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông. 2 tuyến này khi phát triển vận tải hành khách công cộng tốt thì có thể dừng lại.
Cảnh tắc đường ngộp thở trên đường Xã Đàn, quận Đống Đa ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ảnh: Đoàn Bổng |
Ông cũng nhấn mạnh, khi cấm hoặc dừng hoạt động xe máy trên tuyến, khu vực nào thì vẫn phải đảm bảo sinh hoạt bình thường, việc đi lại của nhân dân được kết nối thuận lợi.
"Trong quá trình hoàn thiện, đề án sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân", ông Viện nói.
Theo ông Vũ Văn Viện, đi xe máy ở nước ta hiện nay giống như Trung Quốc cách đây 10-15 năm, do vậy để thay đổi cần có giải pháp đồng bộ, trong đó có vấn đề phát triển vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Chúng tôi có nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) thấy lộ trình của họ là 3-5 năm. Với tình hình Hà Nội, chúng tôi đặt ra lộ trình dài 12-13 năm, khi đủ điều kiện thì mới cấm”, ông Viện khẳng định.
Ông Viện cũng nhấn mạnh, khi thảo luận các đề án cũng đã nói, lựa chọn phương tiện giao thông là quyền của mỗi cá nhân, nhưng phải phù hợp với lợi ích chung chứ không phải “thích là đi”.
Ông lấy dẫn chứng, vì lợi ích chung của mọi người thì chắc chắn khi mang gà sống lên xe buýt là không được. Cho nên trong trường hợp này có thể chọn phương tiện khác.
“Ít tiền thì chịu khó đạp xe đạp, nhiều tiền thì đi taxi, chúng ta không thiếu phương tiện để lựa chọn, còn mang gà sống lên xe buýt thì không được”, ông Viện nhấn mạnh và cho rằng, người dân phải chấp nhận một số quy tắc ứng xử phù hợp với yêu cầu của đô thị văn minh hiện đại và vì lợi ích chung của nhân dân.
Hà Nội cấm xe máy: Giám đốc Sở quả quyết đã nghiên cứu ở Trung Quốc
Lộ trình cấm xe máy ở Bắc Kinh, Thượng Hải là 3-5 năm, với Hà Nội chúng tôi đặt ra lộ trình 12-13 năm - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nói.
Hương Quỳnh