Theo tờ trình được Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo chiều qua, 6 tỉnh thành thực hiện sáp nhập huyện, xã đợt này gồm: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng.

Cụ thể, Thái Bình đề nghị thực hiện sắp xếp 47 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó, tỉnh đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 là 6 đơn vị.

Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng cấp xã của tỉnh Thái Bình từ 286 giảm xuống còn 260 (giảm 26 đơn vị).

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Lào Cai có 1 đơn vị cấp huyện (Si Ma Cai) thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện trong đợt này. Số lượng cấp xã thực hiện sắp xếp là 19 đơn vị.

Tỉnh cũng đề nghị mở rộng TP Lào Cai và điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Lào Cai; mở rộng thị trấn Bát Xát thuộc huyện Bát Xát; mở rộng thị trấn Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng; thành lập thị trấn Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai.

Hà Nội có 10 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, nhưng đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn này là 5 đơn vị. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội từ 584 đơn vị giảm xuống còn 579 đơn vị (giảm 5 đơn vị).

TP Cần Thơ có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 3. Sau sắp xếp, Cần Thơ từ 85 đơn vị giảm xuống còn 83 đơn vị (giảm 2 đơn vị).

Khánh Hòa có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (Khánh Sơn) thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong đợt này. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 2 đơn vị, nhưng đề nghị chưa sắp xếp 1 đơn vị.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, tính đến thời điểm này, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành việc trình UB Thường vụ QH xem xét, quyết định đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành.

Dự kiến, qua việc sắp xếp tại 44/45 tỉnh, thành trên cả nước giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 544 đơn vị hành chính cấp xã. Riêng TP.HCM chưa trình đề án.

Không ai hiểu Cao Bằng hơn nhân dân, lãnh đạo Cao Bằng

Thảo luận trước khi thông qua nghị quyết, một số ý kiến băn khoăn về việc có nên sáp nhập một số xã miền núi ở Cao Bằng hay không vì ở đây còn liên quan đến yếu tố lịch sử, an ninh, quốc phòng...

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn cho biết, tỉnh đã tham quan học tập ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An cho thấy tỉ lệ đồng thuận của các tỉnh này 80%, còn ở Cao Bằng là trên 90%.

{keywords}
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn

Cao Bằng thành lập Ban chỉ đạo và 5 tổ (tuyên truyền vận động, sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ, lo cơ sở vật chất như trụ sở và kinh phí).

"Như vậy triển khai rất công khai, minh bạch, khách quan, vô tư, khoa học và đúng pháp luật. Họp rất nhiều, đầu tư nhiều cho việc sắp xếp và cử tri rất đồng thuận. Họp triển khai tới nay là 6 tháng nhưng Thường vụ Tỉnh ủy chưa nhận được ý kiến nhân dân về việc không đồng thuận", Bí thư Cao Bằng khẳng định.

Theo ông Môn, khi nói đến sáp nhập đương nhiên có băn khoăn, thậm chí quá băn khoăn. "Đang như thế này lại sáp nhập, có người tăng chức, có người xuống chức, đang ở gần lại đi xa... Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra kịch bản giải quyết tất cả khó khăn", ông khẳng định đồng thuận rất cao, sáp nhập vào là sẽ thuận lợi.

Liên quan đến lo ngại về quốc phòng an ninh, ông Môn khẳng định: "Chúng tôi đi thăm thường xuyên khu vực biên giới, rất ổn định. Trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, không riêng Cao Bằng. Cái này tôi làm việc với quân khu thì các đồng chí đồng thuận lắm".

Vì vậy, Bí thư Cao Bằng trân trọng đề nghị UB Thường vụ QH sớm đồng ý để chuẩn bị đại hội sắp xếp nhân sự; thứ 2 là chuẩn bị chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. "Nhân dân đang khí thế, phấn khởi, tin tưởng; sáp nhập vào tâm tư tình cảm nhân dân không suy bì, tị nạnh", ông Môn nói.

{keywords}
Chủ tịch QH: Sáp nhập tâm tư thì tất nhiên rồi

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, trong quá trình sắp xếp, ngoài tiêu chí như diện tích tự nhiên, dân số, phải tính tới yếu tố quốc phòng an ninh, truyền thống văn hóa lịch sử, tâm tư tình cảm của nhân dân. Vấn đề sau khi nhập rồi thì triển vọng phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân thế nào mới là quan trọng.

"Không ai hiểu Cao Bằng hơn nhân dân, lãnh đạo Cao Bằng", Chủ tịch QH cho rằng, nếu Bí thư Tỉnh ủy nói Tỉnh ủy Cao Bằng, HĐND đã đồng thuận cao, sẽ phát triển kinh tế tốt hơn, phòng thủ quốc phòng tốt hơn, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội tốt hơn thì điều đó là yếu tố mà ta đang lo lắng đã được bảo đảm.

"Vấn đề còn tâm tư thì tất nhiên rồi. Tách ra thì có thêm ghế để ngồi, nhập vào thì người thế này, người thế khác. Chúng ta cũng thế thôi chứ đừng nói cấp huyện. Đó là lẽ đương nhiên", Chủ tịch QH phân tích.

Thu Hằng

Sẽ xem xét sáp nhập một số bộ ngành trong nhiệm kỳ 2021 - 2026

Sẽ xem xét sáp nhập một số bộ ngành trong nhiệm kỳ 2021 - 2026

 Trong năm 2020, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.