Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ nhiều cơ chế, chính sách cấp thiết nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra. Vì vậy, cần quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19. Cùng với đó là đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin, tiêm miễn phí 70%  dân số trong thời gian sớm nhất...

Tránh tình trạng địa phương hóa quá mức, gây cản trở doanh nghiệp

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến việc nâng cao nhận thức về bối cảnh “bình thường mới”, khả năng dịch Covid-19 còn tồn tại trong một thời gian dài và tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội ngay cả khi tỷ lệ tiêm vắc xin trong nước đạt 100%.

Một nội dung khác được Chủ tịch Quốc hội đề cập là áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước; kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ.

Phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng với chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội trên tinh thần tận dụng tối đa và hiệu quả các nguồn lực.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp thăm, xem xét cơ sở sản xuất của Công ty nhôm Alumin tại Đắk Nông vào tháng 30/6

Trên phương diện kinh tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến quan điểm chung là hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội.

Chính vì vậy, hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi, đơn giản hóa tối đa; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, tránh tình trạng địa phương hóa quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Ông đề nghị tiếp tục nghiên cứu, sớm ban hành các chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 theo hướng làm rõ đối tượng, lĩnh vực phù hợp tình hình thực tiễn và các quan điểm, chiến lược về phòng, chống dịch, mục tiêu phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong từng giai đoạn.

Cụ thể như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những doanh nghiệp, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh, mang lại hiệu quả thiết thực, mở rộng đối tượng là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Đồng thời tiếp tục thực hiện và mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; tiếp tục giảm tiền, gia hạn thời hạn nộp tiền thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; bổ sung chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19...

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho doanh nghiệp; mở rộng đối tượng được giảm tiền điện và giảm giá điện để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp du lịch; xem xét chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh; miễn phí bảo trì đường bộ; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định xe.

{keywords}
 
{keywords}

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp

 

Ngoài ra, ông cũng đề nghị xây dựng phương án hỗ trợ chung cho doanh nghiệp hàng không; cho phép giãn, hoãn nợ phải trả đối với doanh nghiệp vay xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 và các dự án bất động sản du lịch.

Đồng thời, xem xét nới lỏng thêm các yêu cầu về quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại; tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay đối với chủ thể thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội gợi ý cho doanh nghiệp bố trí thời gian làm thêm của người lao động hơn 40 giờ/tháng để giải quyết các công việc gấp, tồn đọng; có chính sách hỗ trợ phí, cước vận chuyển đường hàng không và đường biển đối với các thị trường trọng điểm.

Cùng với đó là sớm mở lại đường bay đi/đến các quốc gia được coi là an toàn với Covid-19, tạo điều kiện cho hoạt động giao thương và góp phần phục hồi kinh tế; hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới, tạo luồng xanh nhập cảnh cho các chuyên gia vào Việt Nam vận hành sản xuất, kinh doanh...

Xây dựng quy trình ứng phó tự động cho những trường hợp khẩn cấp

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi; nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội mang tính dài hạn cho giai đoạn 2021 - 2025 nhằm kích thích nền kinh tế hơn là đơn thuần hỗ trợ.

Chính phủ nghiên cứu ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và sớm ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tối ưu hóa nguồn lực, tránh dàn trải, trùng lặp; chỉ đạo triển khai các chương trình hỗ trợ bảo đảm hiệu quả, khả thi.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà những công nhân có hoàn cảnh khó khăn 

Đồng thời, thúc đẩy thực hiện các chính sách tổng thể về cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế...

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, chú trọng các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế số, kinh tế xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng tốc độ chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030; khuyến khích đầu tư mạo hiểm, các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực tư nhân...

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, có giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn. Cụ thể như hỗ trợ cho doanh nghiệp thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn hậu Covid-19 để khôi phục năng lực sản xuất.

Đồng thời, các địa phương chủ động xây dựng phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương chưa sẵn sàng quay lại các khu công nghiệp, thành phố lớn do tâm lý e ngại đại dịch còn diễn biến phức tạp, chú trọng vấn đề an ninh, trật tự, tránh những bất ổn về xã hội.

Ngoài ra, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng các quy trình ứng phó một cách tự động cho những trường hợp khẩn cấp với các ngưỡng định tính và định lượng để có thể “kích hoạt”, triển khai ngay khi có khủng hoảng, đại dịch hay các thảm họa khác.

Thu Hằng

Chủ tịch Quốc hội: Nới lỏng có chọn lọc, sớm trở lại trạng thái bình thường

Chủ tịch Quốc hội: Nới lỏng có chọn lọc, sớm trở lại trạng thái bình thường

Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Cần có lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp trên tỷ lệ tiêm chủng vắc xin, không mở cửa ồ ạt, chú trọng khía cạnh tâm lý, nới lỏng có chọn lọc.