Tài sản, vật tư, tiền vốn… còn lãng phí rất nhiều

Theo Chủ tịch Quốc hội, chỉ tính riêng các dự án treo, nếu các địa phương tiến hành rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm sẽ tạo chuyển biến lớn, tạo được nguồn lực hết sức lớn.

Ông dẫn chứng tại Hà Nội, sau khi tiến hành rà soát, giám sát và hậu giám sát các dự án treo trên địa bàn toàn thành phố đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, tạo điều kiện cho thành phố bứt phá giai đoạn vừa qua. Năm 2020 Hà Nội tăng trưởng gấp 1,3 lần trung bình chung cả nước.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ví dụ khác về việc lãng phí các tầng thương mại của các khu nhà tái định cư, vì vướng về cơ chế, quy định về đấu thầu, đấu giá dẫn đến không thể cho thuê, không thể khai thác thương mại, bỏ không dẫn đến lãng phí lớn. “Thực tế nhiều vấn đề từ tài sản, vật tư, tiền vốn… còn lãng phí rất nhiều”, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế.

Năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19,  chi phí cho công tác nước ngoài được cắt giảm đã tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước, hay cắt giảm chi thường xuyên vẫn còn dư địa để tiết kiệm.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay tại Kỳ họp lần này của Quốc hội, những chi phí không thực sự cần thiết như hoa trang trí đều được cắt giảm tối đa, từ đó vừa tiết kiệm ngân sách vừa tiết kiệm được thời gian, công sức chuẩn bị.

Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ trước đến nay chưa được thực sự quan tâm đúng mức. Vì vậy, Quốc hội quyết tâm đưa ra thảo luận tại hội trường và tiến hành giám sát nhằm đánh giá đúng tình hình để có giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo ra nguồn lực phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu tình trạng quản lý, sử dụng tài sản công cũng còn nhiều bất cập.

“Nếu như các nước trên thế giới, các cơ quan nhà nước thuê lại trụ sở do tư nhân xây dựng thì Nhà nước không phải đầu tư từ đầu, không phải lo việc bảo trì phục vụ”, Chủ tịch Quốc hội so sánh.

Vì thế, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng, phải quản lý, sử dụng tài sản công tiệm cận như tài sản tư. Quốc hội lựa chọn giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí, mỗi năm chọn một lĩnh vực, tập trung vấn đề trọng điểm. Từ đó, việc tiết kiệm đi vào nề nếp, cải thiện được tình hình, không chỉ ở lĩnh vực công mà cả ở lĩnh vực tư, huy động được toàn bộ nhân lực, vật lực, tài lực của đất nước cho phát triển.

Gây thất thoát lãng phí là phải gắn trách nhiệm

Trưởng ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc cũng nhìn nhận: "Tình trạng lãng phí hiện nay rất lớn, thậm chí nhiều đánh giá cho thấy còn lớn hơn thất thoát và tham nhũng" và nêu hàng loạt lãng phí từ các vụ án tham nhũng kéo dài đến lãng phí đất đai, tài nguyên khoáng sản hiện nay vô cùng lớn.

Nhấn mạnh việc xử lý trách nhiệm người gây lãng phí cực kỳ quan trọng, ông Phan Đình Trạc dẫn chứng, hai công trình báo chí từng phản ánh bị rút ruột, sắt phi 12 nhưng chỉ dùng phi 10, khi Cục giám đất chất lượng vào làm việc cho thấy chất lượng công trình đảm bảo. Điều đó cho thấy định mức kinh tế kỹ thuật về xây dựng quá lớn, vượt quá dự toán.

{keywords}
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc

“Chi phí tư vấn ăn theo giá trị công trình, giá trị càng cao thì càng lớn, thiết kế an toàn, mất gì mà không nâng hệ số an toàn lên. Những vấn đề này đều thấy nhưng không ai sửa”, Trưởng Ban Nội chính phân tích.

Ông dẫn chứng tiếp, một đoạn đường cao tốc Hà Nội đi Hải Phòng, bớt 3.000 tỉ đồng mà quy mô chất lượng công trình không thay đổi, có phải do tổ chức thi công hay do định mức của ta quá thừa?  Vì vậy, muốn chống lãng phí trước hết là định mức kinh tế kỹ thuật phải chuẩn xác, thể chế phải sát hợp với cuộc sống.

“Hồi xưa một chiếc máy bao nhiêu ca dầu, nhưng giờ khi máy móc hiện đại; nhân công trước rẻ, giờ đắt đi, nhưng cả mấy chục năm không thay đổi, khiến “tình ngay lý gian”, lý thì sai nhưng lại hoàn toàn phù hợp cuộc sống. Bộ Luật Hình sự bổ sung tội lãng phí, nhưng định mức kinh tế kỹ thuật không thay đổi, nên khó thực hiện”, ông nêu bất cập.


Trưởng Ban Nội Chính Trung ương nhấn mạnh: “Phải chống được lãng phí, đây là trách nhiệm lớn. Còn tiết kiệm là khuyến khích chứ không phải bắt buộc".

"Luật thực hành tiết kiệm nói về giáo dục, khuyến khích tiết kiệm ngoài xã hội là hàng đầu. Nhưng so với nước giàu, mới thấy ta quá lãng phí, người dân bình thường cũng lãng phí, thậm chí là lãng phí ghê gớm. So với Đức, Nhật, Hà Lan, Thụy Điển, phúc lợi công cộng phổ biến, nhưng họ cực kỳ tiết kiệm”, ông Trạc so sánh. 

Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương nêu tình trạng lãng phí từ việc đầu tư không hiệu quả như đường làm ra không đi, nhà máy xử lý rác thải lại không xử lý được rác. Vì vậy, ông cho rằng, đầu tư công không hiệu quả thì phải gắn với trách nhiệm mới khắc phục được tình trạng lãng phí.

"Hiện tượng một lãnh đạo mới lên sửa chỗ này chỗ kia để có cơ hội chấm mút tí. Thậm chí, có cái thế hệ trước mới làm chưa bao lâu, thế hệ mới lên đập phá đi làm lại", ông Thuận nhấn mạnh.

Theo Thiếu tướng Trần Đức Thuận, thời gian qua, Đảng Nhà nước đã xử nhiều vụ án liên quan trách nhiệm nhưng thời gian tới cần làm mạnh hơn nữa, gây thất thoát lãng phí là phải gắn trách nhiệm.

Thu Hằng

Thủ tướng: Có những con đường 400 - 500 tỉ mà 13 đời bộ trưởng chưa xong

Thủ tướng: Có những con đường 400 - 500 tỉ mà 13 đời bộ trưởng chưa xong

Thủ tướng kể lại chuyện một số tỉnh lên trao đổi với ông về câu chuyện “những con đường 400- 500 tỉ mà 13 đời bộ trưởng rồi chưa xong”.