- Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu dù đã ở tuổi ngoài 80 nhưng vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt với ngành thể thao, trong đó có bóng đá. Trước thực trạng của bóng đá Việt Nam đang thiếu một thủ lĩnh, một đầu tàu, ông Bửu đã có những chia sẻ rất thẳng thắng trong cuộc trao đổi với VietNamNet.

Không làm được thì nghỉ

Thưa ông, người hâm mộ Việt Nam đã rất kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới với những phát biểu và lời hứa từ vị Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Tuy nhiên, đến giờ thì VFF cũng như bóng đá Việt Nam chưa có nhiều thay đổi tích cực, trong khi nhiệm kỳ VII cũng đi qua được nửa chặng đường. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu: - Nói thật tôi quá rành về Lê Hùng Dũng. Trước khi ông ấy lên làm Chủ tịch VFF, tôi đã nói với một số nhà quản lý ngành thể thao lúc đó là là không nên để Dũng làm vì cậu ta có biết gì về bóng đá đâu. Nếu làm chỉ để lợi dụng kiếm tiền thì càng không nên. Tôi đã góp ý nhưng không ai nghe và giờ thì tất cả đã thấy, bóng đá Việt Nam đi xuống, còn bản thân Chủ tịch VFF bị bệnh. Bóng đá Việt Nam đang phải nhận hậu quả lớn, suy sụp lắm rồi.

{keywords}

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu đề nghị Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phải nghỉ ngay

Vai trò của người đứng đầu VFF rất quan trọng nhưng thời gian qua ông Lê Hùng Dũng lại thường xuyên vắng mặt vì lý do sức khỏe. Điều này dẫn đến những hệ quả gì và ai là người chịu trách nhiệm những công việc lớn, thưa ông?

Hệ quả rõ ràng là VFF và cả nền bóng đá Việt Nam không có ai điều hành, chỉ đạo và ra quyết định ở những công việc lớn. Việc một tổ chức như VFF vắng bóng Chủ tịch ảnh hưởng rất nhiều về mọi vấn đề. Cần phải nhắc lại là trước thời của Lê Hùng Dũng, tôi cũng không đồng ý với trường hợp của anh Nguyễn Trọng Hỷ (nguyên Chủ tịch VFF – PV) vì người này không biết gì về bóng đá. Ngay cả bây giờ, tôi hỏi là Tổng thư ký Lê Hoài Anh có biết gì về bóng đá không?

Nếu thời gian tới VFF vẫn vắng bóng Chủ tịch, thì việc tìm người thay thế là điều cấp bách?

Rất cấp bách, phải thay ngay, làm ngay. Chúng ta phải tìm ngay một vị Chủ tịch mới và những người đó phải biết về bóng đá, có đạo đức và trung thực với ngành TDTT, chứ không phải vào làm bóng đá để lợi dụng kiếm tiền.

Nhưng dường như VFF, Tổng cục TDTT chưa muốn tìm người mới lên thay vì những lý do khác nhau?

Thôi giờ cũng không cần phải nói gì nhiều, nếu bệnh thì cho nghỉ đi. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá bị bệnh không lãnh đạo được, không quản lý được thì phải nghỉ, cho người khác làm. Tôi xin nhấn mạnh với quan điểm của chính mình là anh Lê Hùng Dũng cả năm nay bị bệnh không đóng góp được gì thì đề nghị cho nghỉ.

Bóng đá Việt Nam ngày càng lụi bại, mất đoàn kết

Nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam chưa thể phát triển, ông có cho rằng nguyên nhân chính là từ bộ máy lãnh đạo chưa đủ năng lực, sâu sát với bóng đá nước nhà?

Cái đó là rất chính xác. Do tổ chức, năng lực và nhất là vấn đề đạo đức những nhà quản lý. Ban chấp hành VFF phải xét tư cách người lên thay, để củng cố nội bộ đoàn kết, trung thực, chứ không phải vì bóng đá để kiếm tiền mà ảnh hưởng tới nền bóng đá.

{keywords}

Nếu ông Lê Hùng Dũng nghỉ, ai sẽ là người ngồi “ghế nóng” ở VFF?

Hiện tại 2 ứng cử viên nặng ký có thể lên thay ông Lê Hùng Dũng là Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức và Trần Quốc Tuấn, ông đánh giá thế nào về 2 người này?

Tôi nghĩ cả hai đều không được. Bầu Đức thì tôi quá rành, chỉ giỏi kiếm tiền, còn Tuấn thì cũng không được. Tôi không có ý kiến gì về VFF nên chọn ai, nhưng nếu chọn thì người đó phải thật thà, trung thực, phải là người đàng hoàng, chứ không phải đi kiếm tiền. Người đó phải biết tổ chức, thực hiện, đào tạo và xây dựng nền bóng đá Việt Nam. Tôi đã nói nhiều lần mà có ai nghe đâu.

Là một trong những nhà quản lý đầu tiên của ngành thể thao, ông thấy bóng đá Việt Nam thời ngày xưa và nay khác nhau điều gì?

Bóng đá Việt Nam có lịch sử gần trăm năm nay. Hồi tôi còn làm quản lý từng cho nhiều lãnh đạo VFF nghỉ nên bị ghét. Tôi làm bóng đá như thế nào thì ai cũng biết. Từ ngày tôi nghỉ đến giờ bóng đá càng ngày càng lụi bại. Bóng đá Nghệ An, bóng đá TP.HCM nhất cả nước giờ ai chăm lo gì đâu.

Thời tôi còn làm quản lý, bóng đá luôn phải phục vụ nhân dân, phải có trách nhiệm với đất nước. Vì thế mà người dân rất yêu bóng đá, họ đến với bóng đá bằng tình yêu chân thành, các khán đài luôn chật kín, vậy mà giờ chẳng ai xem.

Ngày xưa bóng đá như thế nào thì ngày nay ngày càng mất đoàn kết. So với các môn thể thao khác như điền kinh, bắn súng, bơi lội… đều đã có thành tích ở tầm thế giới, thì bóng đá Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn sân chơi khu vực, suốt hơn 50 năm không giành được HCV SEA Games. Rõ ràng là chúng ta cần phải tìm nguyên nhân vì sao bóng đá nước nhà lại đi xuống như vậy.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

VFF cần được bảo vệ

“Bóng đá là một mảng của xã hội, cầu thủ cũng là một phần của xã hội. Vì thế, bóng đá không thể trong sáng, vô tư, bản chất là như vậy.

Bóng đá như cái sân của xã hội, nếu sân đó sạch sẽ, thì cầu thủ, trọng tài… không bị té ngã. Tôi cho rằng Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần một sự bảo vệ hơn bao giờ hết vào lúc này, nhưng có ai bảo vệ đâu, từ Tổng cục TDTT đến Bộ VH, TT&DL”, nguyên Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực trăn trở.

Đại Nam  (thực hiện)