Những vấn đề cụ thể đặt ra
Tỉnh Kon Tum nằm ở ngã ba Đông Dương, là trung tâm của vùng Tam giác phát triển; có lợi thế về kinh tế cửa khẩu; có tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc... Vì vậy, việc triển khai thực hiện chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc đặt ra những vấn đề cụ thể như sau:
Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn; tình trạng di cư tự do, tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa được giải quyết thấu đáo; khoảng cách giàu nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn so với vùng phát triển có xu hướng gia tăng; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vùng được hưởng lợi từ thành quả đổi mới ít hơn, dễ bị tổn thương hơn trong cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu, rất cần được sự quan tâm đầu tư để phát triển hơn nữa.
Biến đổi khí hậu, cùng với sự diễn biến bất thường của thời tiết gây nên thiên tai bão lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn tác động xấu đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số phải di dời nhà cửa, ruộng vườn để xây dựng các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, giao thông, công trình trọng điểm quốc gia chưa được ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn.
Một số tệ nạn xã hội như “cờ bạc”, “ma túy”, “rượu chè”, và phong tục tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ như “làm ma to”, tảo hôn... tác động xấu đến đời sống nhất là suy thoái giống nòi và giảm chất lượng dân số.
Địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là nơi xa xôi cách trở, biên giới thuận lợi cho các loại tội phạm ma túy, buôn bán người hoạt động; đối tượng phạm tội nguy hiểm lẩn trốn, gia tăng nguy cơ mất an ninh, an toàn cho người dân sinh sống ở vùng này.
Chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được ban hành nhiều, khá đồng bộ, bao phủ hết các mặt của đời sống xã hội nhưng thiếu nguồn lực thực hiện, không đạt được mục tiêu đề ra, tác động đến tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số, xuất hiện ý kiến cho rằng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật sự được quan tâm.
Đề xuất các giải pháp tăng cường
Từ những phân tích nguồn lực và thực trạng về tôn giáo, dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum như trên, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước trong công tác tôn giáo, dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát huy nguồn lực các tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum như sau:
Tiếp tục tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vấn đề dân tộc, tôn giáo; trong đó, đặc biệt chú ý đến sự thống nhất về nhận thức và phối hợp hành động trong việc giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong vùng dân tộc thiểu số.
Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý, điều hành các chính sách dân tộc; phát huy hiệu quả các chương trình, dự án; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật và các chính sách dân tộc; giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của Nhân dân ngay từ cơ sở.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động các thế lực thù địch đối với vùng dân tộc thiểu số; Chú trọng tình hình quần chúng, thái độ, dư luận của dân tộc thiểu số với việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước ở vùng dân tộc thiểu số như vấn đề dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, đất đai, tái định cư, bức xúc nổi cộm tồn tại trong quần chúng…
Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng và phát huy vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, đồng thời giải quyết triệt để các nhân tố khác, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở các vùng đồng bào `dân tộc thiểu số.
Tăng cường công tác quốc tế trong công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các nước giáp biên, các nước láng giềng theo định hướng, tham gia tích cực hơn nữa các thể chế đa phương của khu vực ASEAN… nhằm thiết lập, củng cố phòng tuyến biên giới lãnh thổ, phối hợp xây dựng thế trận an ninh trong - ngoài lãnh thổ vững chắc.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với tổ chức bộ máy làm dân tộc và cả hệ thống chính trị.