Năm 2011, Trung tâm Văn hoá thể thao và Học tập cộng đồng xã Long Hoà hoàn thành và đưa vào hoạt động, đến nay, Trung tâm đã trở thành điểm đến vui chơi, sinh hoạt thường xuyên của người dân Long Hoà. Với khuôn viên rộng hơn 2.000m2, ngoài tổ chức hội nghị, tập huấn và các hoạt động văn hoá xã hội của xã thì nơi đây được rất nhiều người dân lựa chọn để duy trì các hoạt động thể dục thể thao như đi bộ, rèn luyện sức khoẻ với các dụng cụ thể dục ngoài trời.
Ngoài nhà văn hoá đa năng, trong khuôn viên Trung tâm còn có sân bóng đá lớn, đường đi bộ, 10 máy tập thể dục thể thao ngoài trời, khu vui chơi của trẻ em… nên đã đáp ứng phần nào nhu cầu tập luyện, sinh hoạt của nhiều lứa tuổi khác nhau. Trung tâm luôn thu hút các hoạt động của các câu lạc bộ, đội/nhóm văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao sinh hoạt, tập luyện thường xuyên vào tất cả các ngày trong tuần.
Minh Thạnh là xã vùng xa, cách trung tâm huyện Dầu Tiếng khoảng 35km. Tuy nhiên, từ năm 2014, xã đã được huyện quan tâm đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hoá thể thao và Học tập cộng đồng. Đến nay, trung tâm đã phần nào đáp ứng được các nhu cầu của người dân nơi đây. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi nấu ăn; duy trì hoạt động thường xuyên các lớp dạy tiếng Anh cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9; 2 lớp dạy võ và 1 sân bóng đá, 1 sân bóng chuyền thường xuyên hoạt động đã thu hút người dân tham gia…
Ngoài ra, trung tâm còn có đầy đủ phòng chức năng như phòng đọc sách, phòng máy tính, sân chơi trẻ em, sân bóng đá, bóng chuyền… Những năm qua, chính quyền xã đã tập trung xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trung tâm để góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động tại đây.
Có thể nói, các trung tâm văn hoá thể thao và học tập cộng đồng được xây dựng tại các xã là một trong những thiết chế văn hoá thể thao cơ sở ở huyện Dầu Tiếng phát huy khá hiệu quả trong thời gian qua. Mặc dù chưa thật sự đầy đủ các hạng mục công trình theo quy định, nhưng nhờ được quan tâm, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động, nên các trung tâm đã thu hút được nhân dân trên địa bàn đến tham gia.
Là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Bình Dương, năm 2016, Dầu Tiếng là huyện đầu tiên của Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới.
Đến nay, 11/11 xã của huyện Dầu Tiếng đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện phấn đấu đến hết năm 2025, trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, đến năm 2030 trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Tuy nhiên, để được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 2457 của UBND tỉnh thì huyện Dầu Tiếng mới đạt 7/9 tiêu chí, 33/38 chỉ tiêu. Một trong những tiêu chí chưa đạt, như tiêu chí về y tế - văn hoá – giáo dục, trong đó có chỉ tiêu về thiết chế văn hoá, thể thao tại địa phương. Chính vì vậy, hiện nay, huyện Dầu Tiếng đang quyết tâm hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu còn lại để sớm được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao từ huyện đến cơ sở. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Dầu Tiếng, cho biết, trong thời gian qua, UBND huyện đã bố trí nguồn vốn hơn 66,5 tỷ đồng để xây dựng các trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng tại các xã.
Toàn huyện hiện có 5 xã đã được đầu tư xây dựng trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng với đầy đủ các hạng mục công trình theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), như Thanh An, Long Tân, Minh Hòa, Minh Thạnh và Định Thành. Các xã còn lại hiện cũng đã xây dựng được một số hạng mục trong trung tâm nhằm phục vụ nhiệm vụ của địa phương cũng như đáp ứng phần nào nhu cầu của nhân dân, như: Nhà văn hóa, sân bóng đá, sân bóng chuyền...
Hiện nay, huyện đã triển khai thực hiện tích hợp và nâng cấp văn phòng khu phố, ấp thành nhà văn hóa khu phố, ấp. Đến nay trên toàn huyện đã đầu tư xây dựng được 89/89 nhà văn hóa khu phố, ấp đạt tiêu chí theo quy định.
Việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các phòng trào, hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn.
Để xây dựng thành công nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ngoài kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội; an ninh trật tự được giữ vững; môi trường sinh thái được bảo vệ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao...thì việc nâng cao và phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng, là tiêu chí góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới bền vững.