Theo ông Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh, “để giúp nông dân phát triển kinh tế cũng như có sinh kế, thông qua chức năng của Hội chúng tôi trước hết là tuyên truyền, thứ 2 thông qua các kênh vay vốn đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội giúp cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hơn. Bên cạnh đó là cùng với tỉnh xây dựng các mô hình, dự án giảm nghèo cho nông dân để họ có sinh kế và có cuộc sống ổn định, bền vững hơn trong thời gian tới”.
Xây dựng các mô hình kinh tế tập thể
Các cấp Hội đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025. Tuyên truyền, vận động, chỉ đạo triển khai các dự án xây dựng mô hình về liên kết sản xuất, phát triển kinh tế; mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Hội Nông dân tỉnh triển khai, tổ chức 06 hội nghị tuyên truyền về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng chuỗi giá trị nông sản hàng hóa cho gần 900 hội viên nông dân là các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, thành viên chi, tổ Hội nghề nghiệp. Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương Hội tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất theo chuỗi cho 300 cán bộ, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi;
Chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố triển khai xây dựng mô hình điểm trong liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp.
Trong 02 năm, toàn tỉnh đã thành lập mới 51 tổ hợp tác, 06 hợp tác xã, nâng tổng số mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã toàn tỉnh lên 177 mô hình, với trên 3.000 thành viên tham gia. Thành lập 110 mô hình Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 1.744 thành viên.
Nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, là tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần phát triển kinh tế hợp tác. Tiêu biểu như: mô hình chi Hội nghề nghiệp chăn nuôi Phú Nghĩa tại xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên; mô hình Tổ Hội nghề nghiệp trồng hoa cây cảnh tại xã Điền Xá huyện Nam Trực; mô hình Tổ Hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản tại xã Bạch Long, Giao Hải, huyện Giao Thủy…
Hội cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết chương trình phối hợp về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông dân, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025.
Chuyển đổi số giúp nông dân tiêu thụ nông sản được rộng rãi hơn
Hiện nay, có 10/10 huyện, thành Hội có Quỹ hỗ trợ nông dân; Tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý là 33 tỷ 670,19 triệu đồng cho vay 335 dự án với tổng số hộ vay là 1.362 hộ.
Năm 2022, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy; Hội Nông dân tỉnh đã phát động cuộc vận động tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh trên quy mô toàn tỉnh. Kết quả, sau một tháng phát động, toàn tỉnh đã vận động ủng hỗ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh với số tiền trên 3,21 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, để tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn, Hội Nông dân các cấp đã tín chấp cho nông dân vay vốn từ Ngân hàng NN&PTNT; Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nhận ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.
Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng NN&PTNT là 11.777,726 tỷ đồng cho 39.465 hộ vay thông qua 2.489 tổ vay vốn; dư nợ từ Ngân hàng CSXH là 1.435,852 tỷ đồng cho 37.135 hộ vay thông qua 1.140 tổ tiết kiệm và vay vốn. Phối hợp với Ngân hàng CSXH tuyên truyền về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Các cấp Hội phối hợp với một số công ty tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật và cung ứng trên 10.000 tấn phân bón, 3.555 gói chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ và chất hữu cơ theo hình thức trả chậm tới hội viên nông dân;
Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh Nam Định tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa tại tỉnh Nam Định nhằm thực hiện “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025”.
Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với Bưu điện huyện, thành phố hỗ trợ nông dân đưa nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử POSTMART. Đến nay, đã có 07 sản phẩm OCOP của tỉnh; 225 nông sản hàng hóa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Ông Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh nhận định, chuyển đổi số là một xu thế rất mới với nông dân, nhưng là một kênh giúp nông dân tiêu thụ nông sản được rộng rãi hơn và giảm được chi phí cho người nông dân.
“Trước hết chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức. Thứ 2 “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp hỗ trợ nông dân trong sử dụng các trang thương mại cũng như giúp nông dân làm quen với thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trên các trang thương mại điện tử. Đặc biệt kết nối việc quảng bá tuyên truyền trên các kênh và trang mạng xã hội để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản rộng hơn, tốt hơn”, ông Tô Xuân Hiệp cho biết.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện Hải Hậu khai trương “Cửa hàng Nông sản an toàn Thanh Hoa” tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu; Hội Nông dân huyện Xuân Trường phối hợp khai trương cửa hàng nông sản an toàn Toán Vui tại xã Xuân Thượng. Đến nay Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã trực tiếp và phối hợp khai trương 05 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh và thành phố Nam Định.
Đây là điểm giới thiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có uy tín; cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các sản phẩm OCOP của tỉnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản an toàn ngày càng cao của người dân.
Các cấp Hội phối hợp, liên kết với các đơn vị, tổ chức lớp dạy nghề, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp; điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tổ chức 19 lớp dạy nghề cho 596 lao động nông thôn. Các huyện, thành phố phối hợp tổ chức 92 lớp dạy nghề cho gần 2584 hội viên. Sau khi học nghề 85% học viên tìm được việc làm ổn định. Phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) mở lớp học tiếng Hàn cho 16 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. |