Những thành tựu tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm về quyền con người mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới được Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao; là bằng chứng thuyết phục, không thể phủ nhận cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về quyền con người, bảo đảm quyền con người, đồng thời đanh thép bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về vấn đề trên. 

Với hệ thống pháp luật về quyền con người đồng bộ, từng bước hoàn thiện, việc tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật về quyền con người được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quyết định số 366/QĐ-TTg, ngày 14-3-2011, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW, ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới” nhằm cụ thể hóa một bước quan trọng nghĩa vụ bảo đảm quyền con người của các chủ thể có trách nhiệm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cấp chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân. Nhà nước luôn chú trọng lồng ghép quyền con người vào quá trình xây dựng, tổ chức, thực hiện các chương trình, chính sách phát triển; chú trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

W-lophocv249ng.png
Trong lớp học tại trường PTDT bán trú tiểu học Hữu Khuông, Tương Dương, Nghệ An

Cùng với việc thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật về quyền con người, Việt Nam đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng và củng cố các thiết chế bảo đảm quyền con người. Đơn cử, trong những năm qua, Việt Nam dành nhiều sự quan tâm đến nhóm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Thể hiện qua hàng loạt các nghị quyết, kết luận, chương trình, nghị định, quyết định của Đảng và Nhà nước, như Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003, “Về công tác dân tộc”; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”; Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011, của Chính phủ, về “Công tác dân tộc nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”;....

Ngoài thiết chế nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và truyền thông, báo chí cũng tham gia tích cực bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Các cơ quan chuyên môn, chuyên trách về quyền con người được Nhà nước thành lập, như: Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ và các địa phương; xây dựng và hoàn thiện tổ chức của các cơ quan chuẩn bị và thực hiện báo cáo tình hình thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là quốc gia thành viên; xây dựng và hoàn thiện báo cáo nhân quyền trong khuôn khổ cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cũng như các hoạt động hợp tác quốc tế khác trên lĩnh vực quyền con người. Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu và xúc tiến việc thành lập Ủy ban Nhân quyền quốc gia - cơ quan chuyên trách về quyền con người để theo dõi, giám sát, tư vấn việc thực thi quyền con người trên phạm vi cả nước.

Việc giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về quyền con người cho các tầng lớp nhân dân được Việt Nam đặc biệt chú trọng. Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các hình thức giáo dục phù hợp với mọi đối tượng trong xã hội. Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang xúc tiến đẩy mạnh hoạt động giáo dục quyền con người, quyền công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân theo đúng các mục tiêu, nội dung và lộ trình được quy định trong Quyết định số 1309/QĐ-TTg, ngày 5-9-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”; thực hiện liên kết trong giáo dục, đào tạo về quyền con người, quyền công dân giữa hệ thống trường chính trị, hành chính, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu…

Kết quả trong việc thực thi pháp luật về quyền con người còn được thể hiện thông qua việc Nhà nước triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân. Thành tựu về quyền con người của Việt Nam được Liên hợp quốc thừa nhận.

Đến nay, Việt Nam không chỉ là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 mà còn được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc. 

PV

Quang Phong và nhóm PV, BTV