Cháu có cái may mắn được gần gũi làm học trò của chú trong suốt 12 năm, kể từ năm 2005, Chú làm cố vấn đặc biệt của VietNamNet. Từ ngày ấy, chú đã gắn bó với VietNam Net, trên con đường rất đáng tự hào nhưng cũng lắm thăng trầm, chông gai của nó.
Vậy là Chú đã đi xa rồi.
Cháu biết rằng, sớm muộn gì thì ngày đó cũng sẽ tới, nhưng lòng cháu vẫn không khỏi thảng thốt, bùi ngùi, thương nhớ Chú.
Lần gặp tháng 12. 2016, cháu lo vì thấy Chú đã yếu nhiều. Đến hôm 7/4 năm nay, trước khi đi Boston, cháu vào thăm Chú ở bệnh viện, cháu thấy Chú vẫn rất minh mẫn, nhưng đã mệt lắm rồi. Được ngồi bên giường bệnh của Chú ôn lại những kỷ niệm sâu đậm những năm qua, cháu càng nhớ lời Chú, rằng dù rồi ra có phải xa nhau trong cõi đời này, Chú và cháu vẫn luôn bên nhau trong tinh thần, tâm tưởng…
Cháu có may mắn được gần gũi làm học trò của chú trong suốt 12 năm, kể từ năm 2005, Chú làm cố vấn đặc biệt của VietNamNet. Từ ngày ấy, chú đã gắn bó với VietNam Net, trên con đường rất đáng tự hào nhưng cũng lắm thăng trầm, chông gai của nó.
Nhà thơ Việt Phương luôn gắn bó với VietnamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Lúc này, cháu không đủ lời lẽ để nói lên được hết tình nghĩa sâu đậm và những giá trị tinh thần lớn lao mà Chú đã giành cho VietNamNet và cháu. Vào những thời điểm bước ngoặt trong đời, cháu luôn cảm nhận được sự có mặt của Chú- người Cha Tinh thần của mình. Khi nói ra điều này với Chú, Chú chỉ nhẹ nhàng đáp lại: Chúng ta là những người bạn.
Mọi người đang viết nhiều, chia sẻ lòng quý trọng và thương mến chú, ca ngợi nhân cách, trí tuệ của Chú. Khi còn tại thế, Chú đã không cần, thì nay về cõi Phật, Chú càng không cần những lời lẽ tụng ca. Vì vậy, xin Chú nhận lấy ở đây những lời tâm tình của cháu, như những lần chú cháu cùng nhau trò chuyện, để cháu được cảm nhận một lần nữa cái ấm áp bên Chú.
Thương nhớ Chú, bao nhiêu kỷ niệm thân thương về Chú lại ùa về trong tâm trí cháu.
Đây là Chú Việt Phương, người đã cùng VietNamNet và giúp VietNamNet đi theo con đường “ nâng niu truyền thống, đổi mới mạnh mẽ “, “sẵn sàng hy sinh nếu cần để nói lên những điều cần thiết, tốt đẹp cho đất nước và dân tộc” “ không nói, không viết trái với những điều mình suy nghĩ” …
Đây là Chú Việt Phương với VietNamNet trong những ngày sóng gió tháng 12/2007 , trong những ngày sôi động quyết định đăng tải những bài thẳng thắn và xây dựng góp ý cho Đại hội 10, Đại hội 11 của Đảng, trong những cuộc họp ở 4 Láng Hạ, 141 Bà Triệu, định hướng cho các mạch chủ đề lớn của báo, những lời dặn dò, tâm tình trong những dịp kỷ niệm thành lập VietNamNet.
Đây là Chú Việt Phương vào ngày chú Sáu Dân ra đi, trong đau đớn mất mát, chú cháu mình nguyện cùng nhau tiếp tục tư tưởng, con đường chú Sáu đã tâm nguyện.
Đây là Chú Việt Phương phát biểu ở Phòng Gương Nhà Hát Lớn Hà Nội, trong ngày Hòa nhạc Điều Còn Mãi đầu tiên ngày 2/9/2009, là Chú Việt Phương hào sảng đọc những bài thơ mình viết vào những dịp họp mặt đầu năm, ngày Quốc khánh, hay họp hội đồng cố vấn VietNamNet.
Cháu thường xuyên được gặp Chú, ngày còn làm ở VietNamNet cũng như sau này khi cháu đi Boston, mỗi khi về Hà Nội. Khi Chú còn khỏe, những buổi hàn huyên đó không lần nào dưới 2 tiếng đồng hồ. Chú luôn trăn trở trước tình hình đất nước trong quá trình chuyển đổi, trước các luồng ý kiến và quan điểm khác nhau, vắt óc suy nghĩ để tìm ra cái đúng và giải pháp.
Từ khi đi Boston tháng 4/2011, cháu vẫn luôn luôn nhận được từ Chú tình cảm ân cần, động viên, củng cố niềm tin cho cháu tạo dựng sự nghiệp mới ở Boston.
Chú vui mừng khi Mạng Giáo dục Công dân Toàn cầu ra đời và đi vào hoạt động. Chú chia sẻ những suy nghĩ về công dân toàn cầu và giáo dục công dân toàn cầu, xem đây là nền tảng tốt để nhân loại có hòa bình, và phat triển bền vững, là công cụ tốt giúp dân tộc và đất nước phát triển bền vững, để đi đến văn minh chung. Chú nói: “đi đến tận cùng của dân tộc ta sẽ thấy nhân loại, đi đến tận cùng của nhân loại ta sẽ thấy dân tộc”. Chính Chú là một biểu tượng cụ thể về nhân cách, chuẩn mực giá trị của một công dân toàn cầu.
Nhân cách chú đã lan tỏa tới những người xung quanh, những người đã có may mắn được tiếp xúc với Chú, được Chú giúp đỡ và cộng tác.
Chú là biểu tượng, là tấm gương cho chúng cháu về nhân cách và xử thế.
Sống nhân ái, chính trực và trí tuệ. Quý trọng con người, những con người bình thường nhưng có nhân cách sống hàng ngày bên ta, một người thợ sửa giầy, một bà bán hàng nước góc phố...Yêu thương sự sống ngay trong một cây xanh mọc quanh nhà …
Suốt đời Chú theo đuổi điều mình xác tín: giá trị một con người nằm ở chỗ đóng góp được những gì cho xã hội, chứ không phải là ở vị trí, chức vụ, danh vọng hão huyền. Nhân cách đó không bao giờ chịu quỵ lụy trước quyền lực, tiền tài và danh vọng, coi khinh mọi thói nịnh bợ giả dối và thái độ “ phù thịnh chẳng phù suy “.
Hiểu lẽ đời và khoan dung, Chú không bận lòng với những thủ đoạn và những kẻ gây phiền nhiễu và hãm hại mình, để vẫn có thể hồn nhiên sống và làm việc, giành tâm huyết và trí tuệ đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Có thời gian dài Chú đã làm người giúp việc cho nhiều nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Cháu tin rằng, trong quá trình trưởng thành của mình từ một thanh niên trẻ đấy nhiệt huyết cách mạng, Chú đã học hỏi được nhiều điều ở những người lãnh đạo dầy dạn kinh nghiệm trường đời đó. Đồng thời cháu cũng tin rằng, Chú luôn tự tại như một nhân cách độc lập, một nhân cách lớn, chính trực, trí tuệ, đủ để biết đời và hiểu mình, biết điều cần làm để có ích cho đất nước và con người.
Nhân cách và trí tuệ Việt Phương sẽ góp thêm một phần vào lớp trầm tích giá trị của dân tộc Việt Nam qua các thế hệ.
Chú Việt Phương ơi!
Hai năm trước, khi đến thăm Chú trong bệnh viện, cháu mở bản Sonata cho violin và piano cung Si Giáng Trưởng của Mozart để Chú nghe. Hai Chú cháu cùng tĩnh lặng bên nhau nghe và Chú nói chú rất thích, khi xa nhau cứ nghe bản này là sẽ cảm thấy Chú cháu mình đang ở bên nhau. Cháu đã biếu Chú đĩa nhạc đó, để khi xa chú, khi cùng nghe bản nhạc đó từ hai phương trời, Cháu có được cái cảm giác chú cháu vẫn gần gũi bên nhau.
Chú Việt Phương yêu quý, người Cha Tinh Thần của cháu, ngày Chú mất, cháu không về để tiễn đưa chú được. Nhưng cháu vẫn cảm nhận Chú đang bên mình.
Cháu thấy Chú trên những hàng cây đang lên lộc xanh non ở Boston, trong tiếng gió rì rào đang thổi ngoài kia.
Trong âm thanh của tổ khúc số 1 cung Son Trưởng cho Cello của Johann Sebastian Bach, cháu tiễn đưa Chú. Dù biết là chú ra đi thanh thản về với Phật, nhưng cháu vẫn không thể ngăn được những dòng nước mắt khóc thương nhớ Chú. Yêu chú vô cùng, Chú Việt Phương ơi!
Boston, ngày 6 tháng 5 năm 2017
Nguyễn Anh Tuấn
Tổng Biên Tập Mạng Giáo dục Công dân Toàn cầu
Nguyên Tổng Biên Tập VietNamNet