Ngày 16/4, sàn giao dịch Coolcat sập, nhiều nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa khi ứng dụng đột nhiên biến mất. Đồng thời, những đầu mối, người đại diện của sàn đều lặn mất tăm, không thể liên lạc được.
Trao đổi với Dân Trí, chị H (Thái Nguyên), một người chơi Coolcat bày tỏ nỗi lo lắng, hoang mang khi chị không thể truy cập vào ứng dụng từ nhiều ngày qua. Theo tiết lộ, tổng số tiền mà chị rót Coolcat là hơn 11 triệu đồng.
"Ngày 9/4, sau khi nghe một người bạn giới thiệu, tôi quyết định đầu tư gói bảo hiểm 3 trị giá 10,8 triệu đồng. Qua vài ngày thì tôi rút được hơn 1 triệu đồng tiền lãi, sau đó thì sàn sập. Còn người bạn của tôi cũng khốn khổ, lao đao khi lâm vào cảnh ngộ tương tự khi tiền mất tật mang" - chị kể.
Quảng cáo "mật ngọt" đến từ Coolcat. |
Tuy nhiên, khi nỗi buồn mất tiền từ sàn Coolcat chưa kịp lắng xuống, một số người chơi lại bị mời chào, dụ dỗ sang một ứng dụng đầu tư khác với mô hình, cách thức hoạt động tương tự.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các đối tượng sẽ giả danh là người vừa bị mất tiền từ Coolcat, sau đó sẽ hỏi han, tâm sự với nạn nhân. Khi nạn nhân tỏ ra hoang mang, lo lắng về số tiền vừa bị mất, các môi giới sẽ chớp thời cơ, giới thiệu về sản phẩm.
"Sau khi sàn sập, những người bị lừa tiền như chúng tôi sẽ gia nhập một nhóm trên Zalo để bàn luận về vụ việc. Thông thường, các đối tượng sẽ trà trộn vào trong nhóm rồi tìm con mồi. Chúng thường hứa hẹn, quảng cáo về sản phẩm mới sẽ giúp người chơi trả hết nợ nần nếu tham gia" - một người chơi Coolcat cho biết.
Nếu người chơi không tỉnh táo có thể rơi vào bẫy tiếp theo. |
Đang vô cùng bức xúc khi 128 triệu đồng đổ vào Coolcat đột nhiên biến mất, chị L.T (Hà Nội) lại bị mời chào đến nhiều ứng dụng tương tự. Cách thức là người chơi sẽ nạp tiền vào tài khoản, nạp càng nhiều thì lãi càng tăng. Nếu người chơi giới thiệu thêm nhà đầu tư tham gia thì sẽ được hưởng hoa hồng hậu hĩnh.
"Bài học về Coolcat với tôi đã quá đủ, quá cay đắng rồi, nên từ bây giờ, bất kể lời mời chào đầu tư nào tôi cũng không tin. Bởi mất tiền một lần là dại, chứ để đến lần thứ hai thì đúng là ngu" - chị T buồn rầu nói.
Không giấu nổi xót xa, anh M.H (Vĩnh Phúc) cho biết, sau 2 tuần gia nhập Coolcat, anh đã "đốt" 160 triệu đồng vào ứng dụng. Người tham gia sẽ mua các gói bảo hiểm từ 1 đến 6. Theo lời quảng cáo, mua gói càng cao thì nhà đầu tư sẽ thu về lãi khủng.
Chẳng hạn khi mua gói bảo hiểm số 1 có giá 1,3 triệu đồng thì người chơi sẽ nhận về 18.000 - 65.000 đồng tiền lãi/ngày, gói số 3 có giá 11 triệu đồng thì người chơi sẽ nhận về 171.000 - 365.000 đồng/ngày.
Theo tìm hiểu của Dân trí, nhiệm vụ của người chơi là hàng ngày truy cập vào ứng dụng, bấm dự đoán giá vàng, giá bitcoin. Nếu đoán đúng sẽ nhận được sẽ nhận về 73% tiền thắng, còn thua 6 lần liên tiếp thì phải dừng lại nhưng sẽ được bảo hiểm đền 100%.
Các gói của mô hình. |
Để có tiền đầu tư Coolcat, chị T.H (Bình Phước) còn liều lĩnh đi vay nặng lãi với tổng số tiền là 128 triệu đồng. Chị tiết lộ, cứ 1 triệu đồng là chị phải trả 5.000 đồng tiền lãi. Từ khi biết sàn sập, chị vô cùng lo lắng.
"Tôi nghe quảng cáo cũng bùi tai nên đầu tư. Tính ra, mỗi ngày, tôi chỉ cần đăng nhập, truy cập vào ứng dụng khoảng 15 phút là có thể nhận về 200.000 - 300.000 đồng tiền lãi. Ví dụ như 9 giờ tối hôm nay mình rút, thì 1 giờ sáng hôm sau tiền về. Số tiền đó sẽ được đổ vào tài khoản của mình do một người trong Coolcat chuyển khoản.
Nhưng được vài lần giao dịch nhanh, sau đó thì rất chậm, có khi là qua 2 ngày, tiền vẫn chưa về tài khoản. Tôi mới thấy nghi nên hỏi lại thì người bên Coolcat bảo rằng hệ thống đang nâng cấp, bảo trì. Thấy xuôi xuôi, tôi tiếp tục nâng gói lên, nâng đến cấp 4 thì sàn sập"- chị kể.
(Theo Dân Trí)