Từ 15/3/2022, ngoài việc miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 quốc gia, song phương với 88 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì thị thực điện tử (e-visa) cũng được Việt Nam chính thức được cấp lại sau 2 năm tạm dừng do Covid-19.

Công dân của 80 quốc gia đến Việt Nam, không phân biệt mục đích như du lịch, đầu tư thương mại, thăm thân, lao động, kết hôn,... và lưu trú không quá 30 ngày, đều có thể xin cấp thị thực điện tử (e-visa).

Tuy nhiên, một số công ty du lịch cho hay, việc xin cấp thị thực vẫn rất khó khăn, đặc biệt với khách lẻ trong việc xin e-visa.

Tại Diễn đàn du lịch toàn quốc ngày 1/4, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty lữ hành quốc tế Vietnam TravelMart, cho hay, tuy chúng ta đã công bố mở cửa hoàn toàn, nhưng điểm nghẽn hiện nay vẫn là thị thực, nhất là với khách lẻ. Không phải khách cứ nộp đơn xin thị thực là được ngay, nhiều trường hợp phải có bảo lãnh. Trong khi đó, một số DN không có dịch vụ này nên khách phải "tự bơi”.

{keywords}
Khách quốc tế đến Việt Nam sau mở cửa du lịch (ảnh VNA)

Theo đại diện một DN du lịch, điều này là không hề dễ dàng. Nếu du khách tự xin e-visa mà không được sẽ mất luôn khoản phí 25 USD. Khách nào may thì xin được e-visa hoặc business visa (visa doanh nghiệp), hoặc thuộc nước được miễn visa, thời gian dưới 15 hay 30 ngày (tuỳ quốc tịch).

Với khách đoàn quốc tế, Việt Nam hiện nay chưa đón được đoàn đông do mùa du lịch quốc tế thường từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Do vậy, Giám đốc truyền thông một DN lữ hành lớn tại TP.HCM cho rằng chuyện xét visa có khó khăn hay không là chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế VCCI, đánh giá, chính sách cấp thị thực nhập cảnh của Việt Nam đang làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam so với các nước ASEAN.

Nếu phần lớn các nước trong khu vực đã áp dụng chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày, thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia Đông Nam Á vẫn yêu cầu xin thị thực đối với hầu hết khách du lịch. Thời gian áp dụng miễn thị thực rất ngắn, chỉ bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia...

Về e-visa, nhiều quốc gia có nền du lịch cạnh tranh như Thái Lan hay Singapore đã áp dụng với mức phí thấp, thủ tục công khai trên nền tảng điện tử. Trong khi đó, chi phí thị thực du lịch cấp khi nhập cảnh tại cửa khẩu của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước khác như Campuchia, Lào hay Indonesia.

Chưa kể, các thông tin về xin cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam đều ít được tổng hợp công khai, rõ ràng trên bất kỳ một cổng thông tin điện tử chính thức, gây ra những hạn chế lớn về tính minh bạch và sự cởi mở, linh hoạt, thu hút của nền du lịch Việt Nam đối với khách quốc tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off, cho rằng, để xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam, điều đầu tiên là vấn đề visa nhập cảnh.

Ông Luân ví von, dù nhà bạn có đẹp đến mấy, sang trọng đến mấy mà cửa đóng thì ai vào được. Việt Nam miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia, nhưng nhìn sang Thái Lan, Indonesia đã miễn cho 130 nước.

"Họ được quốc tế quảng bá gần như miễn phí, trong khi ta vẫn đo lường đếm từng vị khách nhập cảnh vào tại sân bay và tốn kém rất lớn để quảng bá", ông thẳng thắn. Do vậy, việc mở cửa thực sự, trong đó trọng tâm là chính sách visa, sẽ mở được hết, không chỉ đón khách du lịch mà cả khách thương gia, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu vào Việt Nam.

Tại hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch mới đây ở Quảng Ninh, PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, quan điểm, dù chúng ta đã mở về visa như trước dịch cũng chỉ đón 25-30% khách. Vì vậy, cần mở rộng chính sách miễn thị thực với nhiều quốc gia hơn.

Ngọc Hà

Đi sau Thái Lan, 'hành động mới' để Việt Nam vượt đối thủ

Đi sau Thái Lan, 'hành động mới' để Việt Nam vượt đối thủ

Mở cửa từ 15/3, du lịch Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ ngay từ các nước trong khu vực. Cũng giàu tiềm năng, thị trường nào có sản phẩm và cung cách phục vụ khác biệt sẽ thắng.