Chưa đầy 1 tháng nữa là Tết Trung Thu 2021, thế nhưng, nhiều bếp sản xuất và bán bánh Trung thu handmade vẫn án binh bất động, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng vì chưa có kế hoạch cụ thể.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, chị Thu Hà - chủ bếp bánh nhà Mon - cho biết, đây là mùa Trung thu đầu tiên nhà chị quyết định ngưng sản xuất và bán bánh. Nguyên nhân là bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chưa biết đến thời điểm nào mới hết; các gia đình lại hạn chế đi lại, nhu cầu tiêu dùng, đi biếu cũng cắt giảm.

“Thời điểm này năm trước mình tất bật lắm rồi, nhiều hôm phải dậy từ 4h sáng để làm những mẻ bánh nướng, bánh dẻo để kịp trả đơn cho khách. Năm nay thì nhàn nhã, thảnh thơi hẳn. Mình chỉ làm một số bánh ngọt và lượng ít bánh Trung thu theo đơn đặt hàng của người thân, bạn bè, khách quen thôi”, chị Hà chia sẻ.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Bếp bánh nhà chị Hà năm nay thiếu vắng bánh Trung thu. Chị ưu tiên làm các loại bánh thông dụng, ăn hàng ngày

Theo chị Hà, dịch bệnh đã tác động rất nhiều đến chi tiêu của các gia đình. Thu nhập giảm, nhiều nhà thậm chí còn chật vật lo ăn từng bữa nên việc mua ăn bánh Trung thu giờ trở nên xa xỉ, nếu chị sản xuất cũng có nguy cơ tiêu thụ chậm.

“Nhiều người quanh mình đang phải thắt lưng buộc bụng, chỉ ưu tiên mua thực phẩm thiết yếu. Họ cho hay đến rau, củ, thịt, cá còn khó mua, trong khi bánh Trung thu không phải là thực phẩm thiết yếu. Không thể ăn bánh Trung thu để qua mùa dịch được. Do đó, Rằm tháng Tám này, mỗi nhà chỉ cần mua 1-2 chiếc thắp hương”, chị nói.

Chị Hà chia sẻ, những năm trước, ngoài sản xuất bánh Trung thu bán cho khách lẻ mua ăn, mua biếu thì chị còn bán cho nhiều doanh nghiệp để làm quà biếu nhân viên, đối tác. Tuy nhiên, năm nay, các công ty cũng cắt khoản này vì đóng cửa hay nghỉ phòng chống dịch, chị mất đi đối tượng mua chính.

{keywords}
 Bánh Trung thu năm nay chỉ sản xuất cho khách quen đặt hàng

Vì thế, chị quyết dừng sản xuất bánh Trung thu, chuyển hướng sang làm các loại bánh ngọt thiết yếu, có thể ăn hàng ngày mà không bị ngấy ngán.

Mùa Trung thu sang năm, nếu dịch bệnh bị được đẩy lùi, bếp bánh nhà chị chắc chắn sẽ sản xuất trở lại, phục vụ khách hàng.

Cũng quyết định dừng sản xuất bánh Trung thu, chị Đỗ Thị Quyên - chủ một tiệm bánh ngọt ở Phú Lương, Hà Đông (Hà Nội) - nói rằng, năm trước, nhà chị làm cả 200-300 chiếc bán ra thị trường thì năm nay làm rất ít.

"Đang giãn cách xã hội, ai ở yên nhà đó nên có làm thì kiếm ship cũng khó. Nếu ra tiệm bánh nổi tiếng xếp hàng mua, người dân sẽ ngại dịch bệnh. Các nhà cũng bớt ăn, hạn chế mua bánh làm quà biếu mà chuyển sang mua các mặt hàng thiết yếu”, chị Quyên nói.

Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến chi phí nguyên liệu sản xuất bánh trung thu như bột, trứng, các loại hạt năm nay cũng tăng cao, khó mua. Nếu giữ giá bánh như năm trước thì người làm không có lãi, có khi còn lỗ; nếu tăng giá thì người mua kêu đắt, cũng khó bán. 

“Năm nay, nhà mình cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào bánh Trung thu do dịch Covid-19. Sát Rằm tháng 8, nếu có khách đặt số lượng ít thì mình nhận đơn trước hai ngày. Đành ngừng và làm túc tắc vậy thôi. Bánh Trung thu tuy mỗi năm chỉ có một lần, không được ăn thì nhớ, nhưng giờ có những thứ cần hơn là cái bánh, không có cũng chẳng sao cả”, chị Quyên chia sẻ.

Ngoài các bếp thủ công, xưởng sản xuất bánh Trung thu handmade nhỏ lẻ đóng cửa, nhiều doanh nghiệp lớn cũng thông báo ngừng sản xuất loại bánh này. Một số thương hiệu tuy không ngưng hẳn nhưng cho biết chỉ sản xuất cầm chừng và vẫn nghe ngóng diễn biến dịch bệnh và thị trường.

Thảo Nguyên

Nở rộ khóa học làm bánh trung thu, chị em choáng ngợp như bước vào ma trận

Nở rộ khóa học làm bánh trung thu, chị em choáng ngợp như bước vào ma trận

Các khóa học làm bánh trung thu online đang nở rộ khi Tết Trung thu tới gần. Chỉ cần bỏ ra 300.000 đồng là chị em có thể đăng ký một khóa học làm bánh dễ dàng.