- Theo đúng kế hoạch, từ ngày 15/4 thông tư về giá viện phí mới sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện các bệnh viện đang phải xây dựng khung giá dựa trên mức giá mới được ban hành, do đó chưa có nơi nào áp dụng ngay giá viện phí mới từ 15/4.


Theo thông tư này, 447 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh giá (chiếm khoảng 12% trong tổng số 4.000 dịch vụ y tế đang được cung cấp trong toàn bộ hệ thống y tế). Mức tăng giá phổ biến từ 3-5 lần, cá biệt có dịch vụ trên 10 lần và giá viện phí lần này vẫn được tính là một phần viện phí (chưa tính lương cán bộ y tế, khấu hao nhà cửa,…).


Giá viện phí chưa tăng từ ngày 15/4 vì các bệnh viện đang phải xây dựng khung giá và chờ được phê duyệt (Ảnh: N.A)

Thông tư này cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/4.

Tuy nhiên, theo luật khám chữa bệnh hiện hành thì UBND các tỉnh thành ban hành mức viện phí cho các bệnh viện tại địa phương, còn Bộ Y tế quy định mức viện phí áp dụng tại bệnh viện tuyến trung ương.

Vì thế, hiện nay các bệnh viện mới đang xây dựng khung giá để trình lên UBND các tỉnh, thành. Bệnh viện tuyến trung ương cũng đang xây dựng để trình Bộ Y tế, do đó từ thời điểm 15/4 thông tư có hiệu lực thi hành nhưng chưa có đơn vị nào áp dụng được”, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết.

Hiện nay, Bộ Y tế mới nhận được mức giá đề xuất (căn cứ vào khung giá mới được ban hành) của 6 trong tổng số 30 bệnh viện tuyến trung ương do Bộ quản lý. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đang xem xét những đề xuất này trước khi phê duyệt.

Như vậy, theo diễn biến này thì ít nhất trong tháng 5 (ở bệnh viện tuyến trung ương) hoặc tháng 6 (bệnh viện địa phương), giá viện phí mới sẽ được áp dụng.

Do chưa có thay đổi gì nên công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện trong sáng 16/4 không có đột biến. Tại các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội, công tác xây dựng khung giá viện phí mới cũng đang được gấp rút tiến hành để trình UBND thành phố nhằm sớm đưa vào áp dụng.

Hiện nay, theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì giá viện phí tăng sẽ khiến quỹ BHYT bị bội chi 6.000-8.000 tỷ đồng. Do đó, bên cạnh đề xuất tăng mức đóng khi tham gia BHYT thì Bảo hiểm xã hội VN cũng đang tìm cách kiểm soát chặt chẽ tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu, thuốc, … để tránh nguy cơ quỹ BHYT bị rút ruột.

Đầu năm 2012, kết quả thanh tra tại 13 tỉnh thành bị bội chi hoặc có nguy cơ bội chi quỹ BHYT cho thấy tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm, chụp chiếu diễn ra tràn lan gây thất thoát lớn cho quỹ BHYT và túi tiền của người bệnh (do người bệnh phải đồng chi trả 5-20%).

N.Anh