- Chia sẻ tại phần 2 của bàn tròn trực tuyến về xét tuyển Đại học, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, trong suốt kỳ thi, không nghe được những phản ánh chính thức nào về tiêu cực xảy ra.


Kỳ tuyển sinh đại học 2017 đã kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên với biến động điểm chuẩn kỷ lục cao chưa từng thấy. Nhiều băn khoăn về điểm chuẩn, điểm ưu tiên, cơ chế ra đề đã được mổ xẻ tại bàn tròn trực tuyến "Thấy gì từ kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học" vừa diễn ra tại VietNamNet ngày 4/8

Bàn tròn có sự tham gia của 3 khách mời:

-Ông Phạm Tất Thắng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

-Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT

-Bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương.

Chương trình bàn tròn trực tuyến này đã phát live hôm 4/8, quý bạn đọc có thể xem lại tại đây.

Dưới đây là các phần lược trích để bạn đọc tiện theo dõi.

Theo dõi phần 2 của bàn tròn trực tuyến tại video sau:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các vị khách mời, sau khi công bố điểm thi, việc xuất hiện nhiều điểm 10 hơn hẳn kỳ thi năm ngoái đã dấy lên những nghi ngại về độ phân hoá của đề thi. Đến khi có điểm chuẩn, chưa năm nào có hiện tượng các trường phải loại thí sinh bằng những tiêu chí phụ, với các bước điểm sít sao đến mức khắc nghiệt như vậy. Nhiều nhà giáo nhìn nhận đây là một thất bại của đề thi chưa đủ độ phân hoá. Thưa bà Phụng, bà nhìn nhận thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Để xác định đề thi đủ độ phân hóa hay chưa, phải nhìn nhận với thông số kỹ thuật toàn diện hơn. Chỉ nhìn số điểm 10 thôi thì chưa đủ đánh giá. Đúng là năm nay số điểm 10 nhiều hơn năm trước. Tổng số điểm 10 là hơn 4.200. Số lượng điểm 10 phải được tính là trong tổng số có 866.000 thí sinh. Và con số thí sinh này cũng phải nhân với 8 hoặc 9 môn thi.

Như vậy, tính ra cứ 1.000 em thì có hơn 4 em có xác suất cứ hơn 9 môn thi thì có 1 môn được điểm 10. Nếu tính như vậy thì không phải quá nhiều. Nhưng so với năm trước thì đúng là nhiều hơn và đó là câu hỏi chúng tôi cũng đang được đặt ra.

Tuy nhiên, bên cạnh điểm 10 thì chúng ta cũng phải tính đến số điểm kém. Điểm dưới trung bình năm nay tùy môn học dao động 30-40%. Điểm trung bình của mỗi môn thi dao động trên 4 đến dưới 7 điểm. Xét trong các yếu tố đó, chúng tôi vẫn cho là đề thi năm nay đảm bảo được sự phân hóa để phân loại chất lượng thí sinh, đáp ứng nhu cầu các trường tuyển chọn được đúng đối tượng học sinh của mình.

Nhà báo Phạm Huyền: Đó là ý kiến của đại diện Bộ GD-ĐT, còn với Trường ĐH Ngoại thương, thưa bà Hương, bà nhìn nhận thế nào về đề thi năm nay, liệu đã đủ phân hóa thí sinh cho các trường tuyển sinh hay chưa?

{keywords}
Bà Phạm Thu Hương và nhà báo Phạm Huyền tại bàn tròn trực tuyến (ảnh: Lê Anh Dũng)

Bà Phạm Thu Hương: Với ĐH Ngoại thương, chúng tôi đã dùng tiêu chí phụ trong nhiều năm, chứ không riêng năm nay. Với chỉ tiêu chúng tôi có, chúng tôi buộc phải áp dụng các tiêu chí phụ khi có quá nhiều bạn có ngưỡng điểm trúng tuyển bằng nhau trong khi đó, nguyên tắc tuyển sinh của chúng tôi vẫn phải theo cơ chế lấy điểm từ trên cao xuống thấp.

Do đó, nhìn nhận ở góc độ trường đại học- nơi tuyển thí sinh, chúng tôi thấy việc sử dụng tiêu chí phụ là đương nhiên để có thể tuyển được thí sinh cho tới khi đủ chỉ tiêu. Đó là nguyên tắc mà chúng ta vẫn áp dụng từ xưa đến nay.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi muốn nói thêm, tiêu chí phụ không phải là để loại thí sinh có căn cứ điểm khác nhau mà là để loại thí sinh có cùng mức điểm thi bằng mức điểm trúng tuyển. Khi thí sinh có cùng mức điểm thi mà trường không lấy hết được số thí sinh đó thì mới cần đến tiêu chí phụ.

Tôi quan sát các trường thì thấy, các trường thường sử dụng tiêu chí phụ như lấy căn cứ điều kiện về điểm môn chính, đó là môn cơ sở giúp học sinh học ngành đó tốt hơn. Ví dụ như ĐH Ngoại thương thì đó là môn ngoại ngữ.

Còn để tuyển chọn sinh viên vào học ngành Toán thì trường sẽ lấy tiêu chí phụ điểm môn Toán phải cao hơn trong số những người bằng điểm. Còn với ngành khó tuyển thì trường có thể lấy tiêu chí là những học sinh đăng ký nguyện vọng 1, tức rất thiết tha với ngành. Mỗi trường có một tiêu chí khác nhau.

Nhà báo Phạm Huyền: Việc Bộ GD-ĐT thực hiện chuẩn hoá đề thi tốt nghiệp THPT là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên việc thực hiện cần phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về khảo thí và cần phải triển khai quy trình này một cách nghiêm túc và đúng phương pháp. 

Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và đề thi chuẩn hoá vô cùng tốn công sức và thời gian, vốn không phải là một nhiệm vụ ngắn hạn và có thể chín ép. Ở kỳ thi năm nay, thời gian cho các công việc đó chỉ 3-4 tháng thì công việc này liệu có chín ép không?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trước hết phải khẳng định ngân hàng đề thi không phải xây dựng vài ba tháng. Việc thi trắc nghiệm đã được áp dụng với các môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ trong nhiều năm và năm nay có mở rộng ra một số môn nữa.

Trước khi mở rộng ra, chúng ta đã thấy, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có 3 năm liền đánh giá năng lực bằng hình thức thi trắc nghiệm và có khá đông số học sinh tham gia. ĐHQG xây dựng ngân hàng đề thi tương đối nhiều câu hỏi.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng (ảnh: Lê Anh Dũng)

Vào tháng 9/2016, khi quyết định thi trắc nghiêm, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh họa trên cơ sở kế thừa ngân hàng đề thi của ĐHQG. Từ tháng 9 năm trước cho đến tháng 6 năm sau, để chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ phải huy động hàng nghìngiáo viên phổ thông và cả giảng viên các trường sư phạm để xây dựng ngân hàng đề thi theo 8-9 bước chuẩn hóa. Nhờ vậy, đến lúc đủ điều kiện thực hiện theo diện rộng thi trắc nghiệm thì mới thực hiện được. Tất nhiên, đề thi năm sau hoàn thiện hơn năm trước nhưng không có chuyện chúng tôi chỉ xây dựng trong vài 3 tháng.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhân nói câu chuyện đề thi, chúng tôi có nhận được câu hỏi của bạn đọc tên là Phạm Minh Thắm, phụ huynh 1 học sinh trúng tuyển vào ĐH Ngoại thương. Theo phản ánh của phụ huynh này, đề thi khó dễ không đồng đều, tạo ra sự không công bằng giữa các thí sinh. Xin bà Phụng giải thích thêm về câu hỏi này?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Có lẽ mỗi cá nhân sẽ có sự đánh giá khác nhau. Một em nào đó trước lúc thi, đọc sách trúng vào phần nào đó mà đề thi hỏi đến thì sẽ cảm thấy đề thi dễ. Nếu như một em chưa học tới phần đó thì lúc nhìn vào sẽ cảm thấy đề thi khó hơn. Ở góc độ tổng thể, chúng tôi đều xây dựng đề thi theo quy trình chuẩn hóa.

Quy trình này được xây dựng trên khoa học đo lường đánh giá. Quy trình này thông thường có 8 bước từ khi ra câu hỏi thô, tinh chỉnh câu hỏi thô, phản biện, có hội đồng thẩm định, thử nghiệm trên diện rộng, áp dụng thử nghiệm cho cả học sinh miền núi, nông thôn, rồi phân tích đánh giá lại đề, chỉnh lại đề sau thử nghiệm rồi mới thành câu hỏi chuẩn. Các câu hỏi chuẩn được phân thành từng ô trong ngân hàng đề thi. Sau đó, chúng tôi tính toán lấy ra bao nhiêu phần trăm ô khó, ô dễ, trung bình, rồi đưa vào phần mềm máy tính để phân tích theo tỉ trọng rồi lại có hội đồng thẩm định lại...

Các đề thi quốc tế đều theo quy trình này. Đó cũng là quy trình đánh giá mà chúng tôi đang áp dụng.

Nhà báo Phạm Huyền: Bạn đọc này cũng có gửi câu hỏi băn khoăn thế này: Hiện nay, các tiêu cực ở vùng sâu vùng xa theo nhiều phản ánh của học sinh đến giờ vẫn đang diễn ra. Có hiện tượng đáp án đưa vào lúc cuối giờ. Do thi trắc nghiệm nên chỉ cần 10 phút là có thể hoàn thành rất nhanh. Vậy, chúng ta có nên thi trắc nghiệm nữa hay không?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Thực ra, mỗi hình thức thi có mặt mạnh và mặt yếu, có những bất cập cần nhìn rõ để khắc phục. Tuy nhiên, đề thi trắc nghiệm thường đảm bảo tính khách quan cao hơn. Nó phù hợp với đặc điểm một kỳ thi có nhiều người tham gia và cần phải đánh giá trong thời gian ngắn. Do đó, thi trắc nghiệm phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đang áp dụng.

Nói đến tiêu cực thì không phải thi trắc nghiệm mới tiêu cực, thi theo hình thức khác cũng tiêu cực. Nhiệm vụ chúng ta là giảm thiểu tiêu cực đó.

Năm nay thí sinh thi tại địa phương nhưng sắp xếp theo A, B, C. Giáo viên các trường Đại học cũng phải về địa phương coi thi. Thi trắc nghiệm chấm bằng máy. Và để đảm bảo 100% không tiêu cực, ngay trong Quy chế cũng đã có 2 điều quy định để nêu rằng, nếu phát hiện tiêu cực thì phản ánh thế nào, ai là người tiếp nhận, xử lý thế nào, bảo mật thông tin cho người phản ánh thế nào.

Tuy nhiên, trong suốt kỳ thi vừa qua, chúng tôi không nghe có những phản ánh đó. Còn với những phản ánh không chính thức thì chúng tôi không có căn cứ xử lý. Tôi mong những hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi sẽ được phản ánh chính thức về cho chúng tôi và tôi khẳng định, Bộ sẽ xử lý nghiêm nếu những phản ánh đó là đúng.

(Còn tiếp)

VietNamNet

Thực hiện: Lê Hạnh, Hồng Hạnh, Nguyên Thảo,Văn Hiệp, Thanh Hùng, Phạm Huyền

Video: Xuân Quý, Đức Yên, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Thuý Hồng, Duy Tiến

email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn