ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phản ánh, nghị viện các nước trên thế giới họp hết việc mới nghỉ, còn ta cứ đúng giờ nghỉ.

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Vẻ

Thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết về Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi) chiều nay, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phản ánh, nghị viện các nước trên thế giới họp hết việc mới nghỉ, còn ta cứ đúng giờ nghỉ.

Ông đề nghị QH nên quy định hết việc mới nghỉ dù sớm hơn hoặc chậm hơn vài chục phút. Bởi thực tế có một số ĐB không phấn khởi khi chuẩn bị bài phát biểu mấy tháng trời toát mồ hôi nhưng lại không được phát biểu vì đã hết giờ làm việc. 

ĐB Vẻ đề nghị trong các phiên thảo luận quan trọng như về kinh tế - xã hội thì tạo điều kiện cho các đại biểu thảo luận nhiều hơn, nhất là đại biểu ở địa phương và thành phố lớn.

{keywords}
ĐB Chu Sơn Hà

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) kể, kỳ họp trước thảo luận về kinh tế - xã hội, 5 ĐB của Hà Nội đăng ký nhưng không ai được phát biểu. 

Ông đề nghị, riêng thảo luận KTXH ngoài việc đăng ký phát biểu theo thứ tự còn ưu tiên những nơi là trung tâm KTXH và căn cứ vào số ĐB trong đoàn đăng ký.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nêu lại trường hợp một số phiên thảo luận luật chuyên ngành, ít ĐB phát biểu, QH nghỉ sớm, báo chí đưa tin khiến cử tri rất có ý kiến. 

Ông đề nghị các phiên thảo luận có thể mời ĐB phát biểu thêm và tùy từng nội dung phát biểu, không nhất thiết tất cả các nội dung đều cứng nhắc chỉ phát biểu một lần, mỗi lần 7 phút.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng tình với việc thảo luận là phải có phản biện. 

Việc phát biểu theo thứ tự đăng ký như hiện nay sẽ không đảm bảo chất lượng. Thay vào đó chủ tọa có thể điều hành linh hoạt, tránh tình trạng muốn phát biểu nhưng không được vì “xui”, bấm không kịp.

Băn khoăn tài liệu mật

ĐB Xuyền bày tỏ băn khoăn về việc quản lý và sử dụng tài liệu mật. “Có ý kiến cho rằng tài liệu đóng dấu mật nhiều, chủ yếu là công tác nội chính, vậy việc bảo quản, thu hồi như thế nào?”.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cũng chia sẻ "rất sợ" văn bản đóng dấu mật, tài liệu mật. 

Theo bà, có những nội dung đóng dấu mật nhưng không biết có mật không vì có khi nội dung ấy đã được đăng tải, phương tiện truyền thông cũng đưa tin rồi. Bà đề nghị quy định rõ thế nào là tài liệu mật, tuyệt mật, tài liệu nào phải thu hồi để ĐBQH chủ động hơn khi khai thác.

ĐB Hiến cũng nêu tình trạng nhiều tài liệu đóng dấu “mật” không cần thiết, thậm chí nhiều vấn đề phải đưa ra để dân biết, dân bàn, dân làm và kiểm tra cũng đóng dấu mật. Vì vậy ông đề nghị cần ban hành danh mục tài liệu mật.

Thu Hằng