Thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến tiêu cực khi sức cầu cổ phiếu ở mức thấp. Dòng tiền thận trọng và có xu hướng đứng ngoài thị trường trong bối cảnh thế giới bất định, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đối mặt với lạm phát cao lịch sử và nguy cơ suy thoái đã rõ hơn bao giờ hết.
Trong nước, nền kinh tế Việt Nam gần đây vẫn phát ra tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa tăng lên, đặc biệt giá xăng dầu ở mức rất cao, có nguy cơ ảnh hưởng tới triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Nhiều cổ phiếu trụ cột tiếp tục giảm giá sau khi đã bốc hơi hàng chục phần trăm.
Nhiều doanh nghiệp chứng kiến quy mô vốn hóa tụt giảm và ra không còn nằm trong câu lạc bộ tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp có vốn hóa rớt khỏi ngưỡng 1 tỷ USD như: Thaiholdings (THD), OCB, LienVietPostBank (LPB), Gelex (GEX), DIC Corp (DIG)...
Trong tuần trước, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán (CTCK) giảm mạnh, đồng loạt mất 20-30% khiến nhóm này không còn đại diện nào trong top vốn hóa tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Lần lượt Chứng khoán SSI, Bản Việt, VNDirect đều ra khỏi câu lạc bộ này.
Sự tụt giảm chung trên thị trường chứng khoán cùng với sự suy giảm thanh khoản trên thị trường khiến triển vọng của nhiều CTCK kém đi.
Thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng bởi dòng tiền có dấu hiệu eo hẹp trở lại khi mà tín dụng, đặc biệt tín dụng cho bất động sản và chứng khoán, bị thắt chặt. Các doanh nghiệp đẩy mạnh tất toán nợ trái phiếu trước hạn sau vụ sai phạm của Tân Hoàng Minh.
Chứng khoán cũng có thể bị ảnh hưởng khi mà đồng USD tăng giá trên phạm vi toàn cầu và có dấu hiệu nóng ở thị trường trong nước. Giá USD chợ đen tăng mạnh lên gần ngưỡng 24.000 đồng.
Thế giới thực sự bất ổn khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm lên ngưỡng 1,5-1,75% và sẽ tăng tiếp trong thời gian tới, có thể đạt mốc 3,4% vào cuối năm.
Mặc dù là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực nhờ nền kinh tế khá vững chắc nhưng đồng VND vẫn đang chịu áp lực từ một đồng USD mạnh lên dữ dội.
Theo VNDirect, yếu tố cơ bản để giữ cho VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, nhờ thặng dư thương mại cải thiện và dự trữ ngoại hối cao. Thặng dư thương mại nhiều khả năng lên mức 7,2 tỷ USD trong 2022. Dữ trữ ngoại hối dự kiến đạt 122,5 tỷ USD vào cuối năm. Do đó, tỷ giá USD/VND sẽ tăng không quá 2% trong cả năm 2022.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giảm mạnh, nhiều mã giảm 20-30% trong tuần vừa qua và đang tiếp tục giảm trong phiên đầu tuần mới. DIG và LDG mất hơn 30%. Các doanh nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt, những quy định mới về đất đai cũng như giá cả hàng hóa đầu vào cho xây dựng tăng nhanh.
Mặc dù lạm phát đang ảnh hưởng lớn tới kỳ vọng của giới đầu tư nhưng nhiều dự báo cho rằng, giá cổ phiếu đã giảm nhiều và hợp lý cho đầu tư dài hạn.
Agriseco Research cho biết, thống kê từ năm 2000, lạm phát dưới 10% thì thị trường cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư phù hợp nhất.
Theo BSC, các yếu tố vĩ mô quốc tế đang có xu hướng thắt chặt, sẽ gây tác động tiêu cực phần nào đến nền kinh tế nội địa.
Còn theo MBS, thị trường tuần qua có nhiều sự kiện tác động mạnh đến thị trường trong nước, từ các quyết định chính sách lãi suất của Fed hay ECB, đến việc các quỹ ETF cơ cấu danh mục và thị trường phái sinh áp dụng các tính giá thanh toán mới.
Trong khi khối ngoại là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường thì nhà đầu tư trong nước chấp nhận cắt lỗ khi có tới 3/5 phiên trong tuần này thị trường đóng cửa với hàng trăm cổ phiếu ở mức giá sàn.
Thanh khoản tuần qua đã có sự cải thiện so với tuần trước tuy nhiên đây lại là tuần các quỹ ETF cơ cấu danh mục nên thanh khoản thường tăng, do vậy phải quan sát tuần sau kỳ cơ cấu để đánh giá lại dòng tiền khi mà cung cầu trên thị trường sẽ quay lại trạng thái bình thường.
Tính tới 13h50 ngày 20/6 chỉ số VN-Index giảm hơn 35 điểm xuống ngưỡng 1.180 điểm. Cổ phiếu dầu khí, chứng khoán, thép... giảm mạnh. Chứng khoán SSI giảm sàn xuống 19.200 đồng/cp sau khi đã giảm hơn 50% kể từ đỉnh. HPG cũng giảm sàn.
M. Hà