Theo Bloomberg, tính tới 15h30 chiều 24/10 (giờ Việt Nam), chỉ số Hang Sheng tại Hong Kong giảm gần 6,4% xuống 15.180 điểm. Tính trong vòng một tháng qua, chỉ số này giảm gần 15,3% và giảm gần 42% kể từ đầu năm. Đây là mức điểm thấp nhất kể từ 2009.

Nhóm cổ phiếu công nghệ trên Hang Sheng thậm chí giảm 9%.

Chỉ số Shanghai Composite trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) giảm hơn 2% trong phiên, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên gần 17%.

Cổ phiếu Trung Quốc giảm mạnh cho dù Bắc Kinh vừa công bố tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý III/2022 tăng 3,9% so với cùng kỳ, vượt dự báo của các chuyên gia kinh tế và cao hơn mức tăng 0,4% trong quý II. Trước đó, theo thăm dò của Reuters, GDP Trung Quốc tăng 3,4% trong quý III.

Chỉ số Hang Sheng Hong Kong xuống mức thấp nhất kể từ 2009. (Nguồn: Investing)

Tính chung trong 9 tháng, GDP Trung Quốc tăng 3%, thấp hơn mục tiêu 5,5%.

Trong các năm trước đó, Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng GDP ở mức cao hơn nhiều. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát Covid-19, nhất là trong quý II/2022, đã gây áp lực lên tăng trưởng. Nhiều tổ chức hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống 3%.

Trái ngược với Trung Quốc, nhiều thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm như Hàn Quốc (tăng mạnh 1-2%), Nhật, Úc, Malaysia, Philippines,...

Việt Nam kết thúc phiên ngày 24/10, chỉ số VN-Index giảm 33,67 điểm xuống 986,15 điểm. HNX-Index giảm hơn 3,6% xuống 209,5 điểm. Thanh khoản ở mức thấp với gần 12.900 tỷ đồng trên HoSE.

Thị trường tiền tệ châu Á còn bấp bênh. Đồng yen Nhật vẫn có mức giảm hàng đầu trong khu vực. Hiện 1 USD đổi 148,8 yen.

Chứng khoán Mỹ cuối tuần trước tăng 2,3-2,5%.

VN-Index xuống dưới 1.000 điểmChỉ số VN-Index giảm sâu phiên sáng 24/10, có lúc mất mốc 1.000 điểm. Nhiều cổ phiếu trụ cột, trong đó có bộ 3 mã của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm mạnh, kéo thị trường tụt xuống dù đã giảm mạnh phiên liền trước.