Tháng 9/2019, tôi có dịp đi đường 2 thành phố lớn: Moscow và St Petersburg. Trên những tuyến đường đi ấy, trong tôi đã “lưu giữ” 4 ấn tượng về chấp hành luật Giao thông đường bộ của người dân.
Ấn tượng thứ nhất, những tài xế lái ô tô không lấn trái sang phía chiều đi ngược lại, mặc dù phía chiều đi của họ đang phải xếp hàng dài, còn chiều đi ngược lại thì vắng tanh.
Năm 2018, có dịp trở lại Thái Lan, tôi cũng thấy những người lái xe cơ giới tại thủ đô Bangkok không lấn trái (sang phía chiều đi ngược lại).
Ấn tượng thứ hai, những tài xế lái ô tô dừng xe - nhường cho người đi bộ sang đường an toàn; kể cả tại các chỗ lắp đặt đèn tín hiệu, hay tại các chỗ không lắp đặt đèn tín hiệu (trên những đoạn đường phố có vạch sơn “ngựa vằn” dành cho người đi bộ sang đường).
Và ở các ngã tư đường phố có lắp đặt đèn tín hiệu, kẻ vạch sơn cho người đi bộ sang đường; còn được “trồng” thêm biển báo hiệu stop để nhắc nhở những người tài xế xe cơ giới phải dừng xe nhường đường cho người đi bộ trên vạch sơn “ngựa vằn”. Đặc biệt, trong khuôn viên điện Kremlin rất rộng, cũng có vạch sơn “ngựa vằn cỡ bự” dành cho người đi bộ.
"Tròng" biển STOP trên ngã tư ở St Petersburg |
Ấn tượng thứ ba, những người lái xe ở Moscow và St Petersburg (Nga) và ở Bangkok (Thái Lan) không vượt đèn đỏ. Bởi vì họ có ý thức tự giác chấp hành luật Giao thông đường bộ, khi đường đang có đèn đỏ bật sáng cấm - không được đi, là họ dừng xe lại - không đi.
Ngoài ra, tôi được biết ở Mỹ, mọi tài xế cũng đều dừng xe khi đèn đỏ, vì họ lạc quan cho rằng: Những giây phút dừng xe khi đèn đỏ, là những giây phút tâm hồn họ được cứu rỗi.
Vỉa hè đường thủ đô Bangkok là hành lang an toàn, dành cho người đi bộ |
Ấn tượng thứ tư, vỉa hè đường thành phố là hành lang an toàn giao thông dành cho người đi bộ.
Về Hà Nội đi bộ theo quỹ đạo hình sin
Trở về Việt Nam, hàng ngày tôi vẫn có giây phút buồn trên đường phố.
Khi tôi dùng xe máy đón cháu đi học về qua đầu phố Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đều bị những người “đồng minh” (đi xe máy) lấn trái sang chiều đi ngược lại...
Những người đi xe máy lấn trái sang chiều đi ngược lại, tại đầu phố Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy Hà Nội |
Khi chiều tà, tôi đi bộ trên vạch sơn “ngựa vằn” sang đường phố Tô Hiệu để vào công viên Nghĩa Đô thật khó khăn, vì hầu hết những người tài xế xe cơ giới chẳng chịu dừng xe cho người đi bộ sang đường trên vạch sơn “ngựa vằn”.
Và trên đường ra công viên Nghĩa Đô, lúc tôi sang đường Hoàng Quốc Việt theo đèn tín hiệu (dành cho người đi bộ) vẫn hay phải chứng kiến số ít tài xế xe cơ giới vượt đèn đỏ. Thật đúng là chỉ khi nào đường không đi được những tài xế này mới chịu, còn đường không được đi (khi đèn đỏ bật sáng) thì họ vẫn cứ đi.
Chứng kiến số tài xế vượt đèn đỏ xong, đến phố Nghĩa Tân tôi phải đi bộ theo 1 quỹ đạo hình sin - từ hè phố “liều mạng” đi xuống lòng đường, rồi lại từ lòng đường đi lên hè phố, vì hè phố bị người bán hàng "bành trướng" và người để xe máy chiếm hết lối đi.
Sang năm 2020, nên chăng Công an TP Hà Nội cắt cử 1 tổ công tác đột xuất xuống một số địa điểm “đường phố buồn” nêu trên, hoặc một số địa điểm đường phố trọng điểm khác (trong thời gian đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ) để hướng dẫn điều khiển giao thông.
Đồng thời, trên cơ sở điều 9, khoản 1; điều 10, khoản 1; điều 35 và điều 36, khoản 1 của luật Giao thông đường bộ; Tổ công tác đột xuất tập trung tích cực bắt 3 lỗi lái xe: Lấn trái sang chiều đường ngược lại; không nhường đường cho người đi bộ sang đường trên vạch sơn “ngựa vằn”; vượt đèn đỏ và bắt lỗi lấn chiếm vỉa hè.
Để “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”, tất cả người đi đường (tất nhiên trong đó có những người lái xe cơ giới) và những người buôn bán trên vỉa hè đường phố, sẽ dần hình thành ý thức tự giác chấp hành luật Giao thông đường bộ ở Hà Nội rồi nhân rộng ra.
Bạn đã từng gặp cảnh khó chịu khi gặp cảnh bất bình khi tham gia giao thông như tác giả? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn tới diễn đàn "Buồn 1 phút trên đường". Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải nhằm góp tiếng nói xây dựng ý thức tham gia giao thông đẹp hơn. Bài viết gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.Trân trọng! |
Nguyễn Thành Lập
Phút ấm ức khi lịch sự nhường đường bị người phía sau bóp còi inh ỏi
Diễn đàn Buồn 1 phút trên đường nhận được nhiều phản hồi của độc giả, bày tỏ mong muốn nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.