Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để kiến tạo hạ tầng, cây xanh, bãi cỏ, xây dựng cầu đường, nạo vét kênh mương, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Bên cạnh đó là phát động nhiều công trình, phong trào, cuộc vận động trong toàn dân như: “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”, “Giữ gìn cảnh quan đô thị, thân thiện với môi trường”, “Công viên không rác”, “Công sở văn minh, sạch đẹp”; “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng, bản không rác”, “Góc phố sạch, vỉa hè sạch”, “5 không - 3 sạch”, “Huế - không tiếng còi xe”, “40 tuyến phố thanh niên xanh, sạch, đẹp”, “Bồn hoa thanh niên”, tổ chức các hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Hãy làm sạch biển”... qua đó đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi tổ dân phố, làng, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.
Báo cáo kết quả và giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn trong giai đoạn 2021 -2025, Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Tỉnh thường xuyên tuyên truyền trên các cơ quan báo chí về vai trò, ý nghĩa của các chương trình. Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức, địa phương tổ chức 34 lớp tuyên truyền, tập huấn với hơn 1700 người tham dự, về các nội dung Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn... Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản cũng đã tổ chức 30 hội nghị, tập huấn phổ biến văn bản quy định pháp luật về ATTP cho người dân và đối tượng cán bộ, công chức cấp huyện, xã với số lượng tham dự hơn 1.000 người. Việc công khai kết quả đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản luôn được công khai và cập nhật thường xuyên trên trang web của Sở tại địa chỉ https://snnptnt.thuathienhue.gov.vn.
Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Đề án Ngày Chủ nhật Xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng” với phương châm hành động “Mỗi cá nhân, hộ gia đình một việc làm; mỗi tổ dân phố, thôn, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp một công trình, phần việc để xây dựng Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng”.
Thông tin từ Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh cũng cho biết: Khối lượng rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh năm 2023 khoảng 675.68 tấn/ngày, khối lượng được thu gom, vận chuyển 653,9 tấn/ngày. Hiện dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, thuộc Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB đang tiếp nhận toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt của 06/09 địa phương của tỉnh: thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phú vang, huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông để xử lý theo công nghệ đốt phát điện. Về cơ bản, chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương này sẽ được xử lý, không tiến hành chôn lấp chất thải rắn như trước đây. Các bãi chôn lấp sẽ được đóng cửa phần đã chôn lấp, phần dung tích còn lại sẽ sử dụng làm phương án dự phòng cho công tác xử lý rác khi Nhà máy điện rác gặp sự cố.
Ngày 01/3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 435/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, căn cứ trên đề án đã được phê duyệt các địa phương tổ chức triển khai công tác quản lý rác thải, phân loại rác tại nguồn, xây dựng các mô hình ủ phân hữu cơ, tái sử dụng, tái chế rác thải.
Huệ Anh