"Nếu như vế “độc lập” đã có thể yên tâm thì vế “tự do, hạnh phúc” vẫn chưa được như mong muốn. Với nhiều trở lực từ chính mình trên bước đường đi tới đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị rất cao cho Đổi mới mạnh mẽ tiếp theo".

>> Xem lại Kỳ 2: Được giải cứu nhờ lãnh đạo dám 'vượt rào'

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu Phần 3 cuộc Tọa đàm 40 năm ký ức ngày thống nhất, với các khách mời: Bà Phạm Phương Thảo, nguyên phó Bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP. HCM; Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia tài chính – ngân hàng; Ông Đặng Văn Khoa, nguyên ĐB HĐND TP. HCM, hiện là Ủy viên Trung ương UBMTTQ VN.

Kiêu hãnh với quá khứ nhưng đừng quên hiện tại

Nhà báo Duy Chiến: Từng là lãnh đạo cao cấp của thành phố, thưa bà Phạm Phương Thảo, với hành trang 40 năm qua, TP.HCM sẽ bước tiếp như thế nào?

Bà Phạm Phương Thảo: Sau 4 thập kỷ xây dựng và phát triển, chúng ta đã có nhiều thành tựu to lớn.

Có thể thấy thành phố đã có nhiều thay đổi kỳ diệu, những chúng ta vẫn cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa từ thể chế tới chủ trương, chính sách và cả phát huy dân chủ, sức mạnh của nhân dân.

Đảng cần chỉnh đốn tốt hơn, phải nâng tầm trí tuệ, phẩm chất lãnh đạo và có những lời hiệu triệu mới cùng với đường lối đúng đắn để có những thành tựu cho ngày mai lớn hơn, vĩ đại hơn  thì mới đúng với quy luật.

{keywords}
Một góc sông Sài Gòn.

Nếu có chủ trương, chính sách đúng thì sẽ phát huy được nguồn sức mạnh to lớn của thành phố Hồ Chí minh đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Chúng ta không chỉ tự hào với quá khứ, với ngày hôm qua mà còn phải với ngày mai.

Ông Đặng Văn Khoa: Sau 40 năm, thành phố đã có nhiều thay đổi, đất nước cũng phát triển lên tầm cao mới, đời sống nhân dân đã khác xưa, tươi sáng hơn gấp bội… Đó là những kết quả không ai có thể phủ nhận.

Nhưng chúng ta cũng phải nói thẳng nói thật với nhau rằng, chúng ta không chỉ nhìn mình, nhìn trong nhà mình mà còn phải nhìn ra xung quanh. Trong thời gian 40 năm chúng ta đã vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách để đi lên và đạt những thành tựu như thế thì đất nước Singapore hay đất nước Hàn Quốc đã vươn lên xa chúng ta rất nhiều. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ.

Nếu như vế “độc lập” đã có thể yên tâm thì vế “tự do, hạnh phúc” đang rất đáng lo. Chúng ta đang gặp nhiều trở lực từ chính mình trên bước đường đi tới. Tình trạng tham nhũng, đạo đức xã hội suy thoái, giáo dục lạc hậu v.v… đã khiến đất nước ta thuộc nhóm “khó phát triển” dù tiềm năng và cơ hội có rất nhiều.

Hơn bao giờ hết, đất nước ta đang cần tiếp tục đổi mới để “vượt lên chính mình”, bắt kịp thời đại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới…  

Lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội là có tội

Nhà báo Duy Chiến: Thưa ông Huỳnh Bửu Sơn, có đúng là chúng ta đã bỏ lỡ nhiều thời cơ và cơ hội quý để phát triển hay không?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Khi chúng ta bắt đầu Đổi mới, có nhiều chuyên gia quốc tế kỳ vọng rằng, Việt Nam sẽ trở thành con rồng ở châu Á.

Tôi còn nhớ nhiều phân tích cho rằng, Việt Nam cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn Trung Quốc. Việt Nam đã đi thẳng vào cải cách giá, xóa bỏ phân phối lưu thông thời kế hoạch hóa. Còn nước bạn dù cải cách sớm hơn nhưng duy trì phân phối của nền kinh tế tập trung kéo dài tới sau này.

Họ cũng nói, Việt Nam thuận lợi là có miền Nam đã quen với cơ chế thị trường, có nguồn nhân lực vận hành trong cơ chế thị trường, có đội ngũ chuyên gia và quản lý am tường về cơ chế thị trường. Còn Trung Quốc khi cải cách mở cửa vẫn hoàn toàn xa lạ với cơ chế này. Ông Đặng Tiểu Bình phải đi “học”, tìm hiểu ở các nước tư bản, nguồn nhân lực trong nước còn xa lạ với cơ chế đó.

Tiếc rằng, chúng ta không duy trì được nhịp độ cải cách và khí thế của Đổi mới. Tốc độ cải cách bị giảm quá sớm, thậm chí đến năm 2000 đã chậm lại ở mức dậm chân tại chỗ.

Nhiều cơ hội chúng ta đã bỏ qua một cách đáng tiếc. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 ảnh hưởng nặng nề cho các nước phát triển ở châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan. Trung Quốc đã nhanh chóng lợi dụng cơ hội đó để phát triển. Còn ta khép cửa lại hoàn toàn.

Kinh tế tư nhân là động lực chính cho phát triển ở bất cứ quốc gia phát triển nào. Còn ta thì chưa cởi mở với khu vực này mà chỉ tập trung mọi nguồn lực vào khu vực kinh tế nhà nước.

Nhà báo Duy Chiến: Là một chứng nhân lịch sử, theo ông thành phố sẽ cần được tiếp  sức thế nào để có thể “vượt lên chính mình” lần nữa?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Vai trò của thành phố Hồ Chí Minh vô cùng đặc biệt. Nơi đây đã từng đi đầu tháo gỡ cấm vận, có quan hệ với nhiều trung tâm kinh tế, thương mại lớn trong vùng và thế giới, có nguồn nhân lực tốt, có đội ngũ doanh nhân đông đảo, tháo vát, chịu khó và rất sáng tạo… Chính đây là nơi khởi phát những sáng kiến, cách làm mới cho cả mai sau, truyền lửa cho cả nước.

{keywords}
Chợ Bến Thành

Giai đoạn “hậu” 40 năm, vai trò tiên phong của thành phố Hồ Chí Minh vẫn là vô cùng quan trọng với cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh chính là nước Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ sắc thái của mọi miền cả nước. Đây là thế mạnh không địa phương nào có được.

Tất cả người dân sống ở đây đều mang khát vọng làm ăn, có ý chí vươn lên. Bất kỳ nhà lãnh đạo nào mà biết lắng nghe, biết chia sẻ, khơi dậy được “tiềm năng” con người quý giá này thì chắc chắn rằng, thành phố sẽ tiếp tục là nơi đi tiên phong để cùng cả nước vượt qua trở ngại khó khăn.

Không cải cách là tự chặn đường phát triển

Nhà báo Duy Chiến: Xin được hỏi câu hỏi cuối, từ những bài học quá khứ, từ thực tế cuộc sống hôm nay, các vị kỳ vọng gì cho vào tương lai của thành phố?

Bà Phạm Phương Thảo: Sức bật và tiềm năng của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn rất lớn và rất mạnh mẽ. Nếu có chủ trương chính sách đúng, phù hợp thì thành phố còn phát triển rất mạnh mẽ.

Tôi hy vọng chúng ta sẽ có nhà lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm, bằng thực tiễn cỉa cuộc sống, bằng sự lắng nghe, biết dùng người giỏi, biết chọn lựa đề xuất và quyết đoán, dám làm dám chịu để phát huy được vai trò của đầu tàu kinh tế.

Bây giờ vật chất không khó khăn thiếu thốn như hồi trước. Nhưng bây giờ cũng như thời gian tới, lãnh đạo thành phố phải biết khơi nguồn sáng tạo, lắng nghe và phát huy dân chủ, thổi bùng lên ngọn lửa sức mạnh của người dân thành phố.

Ông Đặng Văn Khoa: 10 năm hay 20 năm nữa nếu không cải cách mạnh, không quyết tâm đổi mới thể chế thì thành phố sẽ khó mà phát huy tiềm năng mạnh mẻ của nó.

Vì vậy tôi rất rất mong các nhà lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo nhìn ra được những yếu kém, tồn tại để xử lý, dọn dẹp hết những vướng mắc, từ nhận thức cho đến hành động, làm rõ con đường đi tới của đất nước, của thành phố.

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Đất nước ta chưa phải là cường quốc nhưng dân tộc ta có đủ năng lực để xây dựng đất nước mình thành cường quốc. Nếu thế hệ chúng ta chưa làm được điều đó là mang nợ với thế hệ mai sau.

Ước vọng ấp ủ, nung nấu bao lâu nay của người dân chúng ta là muốn trở thành công dân của một đất nước có văn hóa, có giáo dục, có đời sống ấm no hạnh phúc, có tự do. Nhà lãnh đạo hiểu được điều đó, mạnh mẽ thực hiện được mục tiêu như thế và bảo vệ được những gì cha ông để lại thì đó là đại phúc cho dân tộc ta.

Tại thời điểm 40 năm kỷ niệm ngày non sông nối liền một dải, hy vọng mong ước của chúng ta sẽ được lắng nghe, sẽ được thành hiện thực!

Nhà báo Duy Chiến: Cuộc tọa đàm đến đây là kết thúc. Cám ơn quí vị độc giả đã tham gia cùng chúng tôi. Cám ơn quí vị độc giả đã dành thời gian theo dõi.

Tuần Việt Nam