Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, mực nước lúc 9h ngày 1/11 trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt 9,49m, trên báo động II: 0,49m; Chu Lễ 12,45m, dưới báo động II là 0,05m.

Trong 6 - 12 giờ tới, lũ trên sông Ngàn Sâu xuống dần và khả năng xuống dưới mức báo động II. Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Ngàn Sâu tiếp tục xuống và khả năng xuống dưới mức báo động I. Tình trạng ngập lụt vẫn tiếp tục xảy ra tại huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc.

Đài khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh nhận định từ hôm nay, tình trạng ngập lụt tại các khu vực trên sẽ giảm dần. Tuy nhiên, người dân vẫn cần đề phòng xảy ra các thiên tai khác đi kèm như: nguy cơ lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất, đặc biệt tại các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ.

Đơn vị này cũng phát đi cảnh báo tác động của lũ trên các sông suối có thể gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các bờ, bãi. Đặc biệt là các huyện: Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc.

W-ha-tinh-1.jpeg
Mưa lớn gây ngập lụt tại các huyện gập sâu như  Kỳ Anh, Đức Thọ, Lộc Hà, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc...

Đến 19h ngày 1/11, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quốc gia cho biết trên toàn tỉnh Hà Tĩnh có 265 điểm ngập; 500 hộ dân ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) bị cô lập; sạt lở 7.000m3 đất, đá.

Còn thống kê của huyện Hương Khê cho biết, mưa lũ đã khiến 2 người chết (N.V.D, sinh năm 2010, thôn 6, xã Hương Thủy; T.T.T, sinh 1990, thôn 12, xã Hà Linh) và 1 người mất tích (N.T.H, sinh năm 1995, thôn 12, xã Hà Linh).

Toàn huyện có gần 1.000 nhà dân bị ngập và gần 5.000 vườn hộ ngập lũ. Nhiều công trình công cộng bị ngập, ảnh hưởng. Trong đó có 8 trường học, 16 hội quán thôn, 1 công trình bưu điện. Nhiều tuyến đường ảnh hưởng đến giao thông đi lại, nhiều công trình hồ, đập, kè bờ sông bị hư hỏng, sạt lở. Đặc biệt, đập Tắt ở xã Hòa Hải có dung tích 0,4 triệu m3 bị vỡ thân đập gây xói lở đường giao thông và bồi lấp diện tích đất lúa vùng hạ du.

Ngay khi nước rút, chính quyền, đoàn thể, nhân dân tại địa phương đã khẩn trương khắc phục hậu quả. Theo đó, ngay trong sáng 1/11, Hương Khê đón gần 300 chiến sỹ công an của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động thuộc Bộ Công an và Công an tỉnh Hà Tĩnh về giúp người dân và các cơ quan, đơn vị dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục thiệt hại, tập trung tại các trường học và cơ sở y tế.

Trước tình hình một số địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa lớn kéo dài, nhất là tại tỉnh Hà Tĩnh, gây ngập úng sâu, sạt lở đất, chia cắt giao thông, sự cố đập thủy lợi… thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân trong khi dự báo những ngày tới tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi rất to, nguy cơ xảy ra sạt lở  để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân, ngày 1/11, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã ban hành công điện khẩn.

Theo đó, công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ban cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ; kiểm tra, rà soát các trọng điểm có nguy cơ xảy ra sự cố, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra.

Bộ tư lệnh các quân khu chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự các tỉnh (thành phố) tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đứng chân trên địa bàn theo kế hoạch hiệp đồng.

Các đơn vị này cũng được yêu cầu tổ chức rà soát, huy động lực lượng, phương tiện, sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực đã xảy ra hoặc nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn. Các cơ quan, đơn vị có biện pháp bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng; đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bộ đội và vũ khí, trang bị khi đi làm nhiệm vụ.

Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố bố trí lực lượng, phương tiện chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. Các cơ quan báo chí Quân đội và các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, đưa tin về hoạt động của bộ đội giúp nhân dân địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất và tìm kiếm cứu nạn.

Bộ tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo các đơn vị điều động gần 500 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ.

Huyền Anh