Sự sống, sức sống thể hiện ở màu xanh. Sức sống xanh ở các đảo, điểm đảo sẽ giúp bộ đội và người dân vơi bớt đi những khó khăn, gian khổ... 

Nhưng không phải đảo, điểm đảo nào cũng xanh tươi. Do không được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết trên đảo khắc nghiệt, nắng, mưa, giông gió thất thường lại nằm trên bãi san hô ngập nước dài khoảng 1 hải lý. Lớp mùn san hô trên đảo mỏng, rất khó cho việc trồng cây xanh. Nhiều điểm đảo nỗ lực trồng cây xanh nhưng dường như nắng gió và vị mặn của nước biển cản trở những nỗ lực đó. Có điểm đảo thậm chí không tìm ra chỗ để trồng cây xanh, trơ trọi, phơi mình dưới nắng gió khắc nghiệt. 

{keywords}
Sự sống, sức sống thể hiện ở màu xanh. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ.

Hiện nay, theo khảo sát thực tế, chưa có các giải pháp tổng thể nhằm phủ xanh, tạo bóng mát trên các đảo, điểm đảo của huyện đảo Trường Sa, nhất là những đảo có nhân dân sinh sống. Rất cần các nghiên cứu và chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt và  thiết bị xử lý chất thải hữu cơ tại các điểm đảo; Cung cấp giải pháp tăng trưởng cây xanh tại các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng xanh, đẹp quần đảo Trường Sa”, trong đó có chương trình “Trường Sa xanh” ra đời nhằm mục đích huy động mọi nguồn lực vật chất, tinh thần, kiến thức khoa học để cải tạo thổ nhưỡng, trồng các loại hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây tạo bóng mát, cây chắn sóng, rau xanh... góp phần biến các đảo và điểm đảo ngày càng xanh, đẹp hơn.

Mới đây các nhà khoa học Trung tâm Vật liệu mới thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội đã triển khai dự án “Giải pháp tổng thể cho Trường Sa xanh, cho biển đảo Tổ quốc”. Dự án này sẽ cơ bản thay đổi môi trường sinh thái trên các đảo, tiến tới xây dựng môi trường ổn định hệ môi trường xanh tại quần đảo Trường Sa. 

Theo kỹ sư Bùi Công Khê, chủ nhiệm dự án, nguyên nhân gây ô nhiễm tại quần đảo Trường Sa là do nhiều yếu tố, như điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước ngọt khan hiếm, diện tích đảo chật hẹp, tập trung đông người, công tác tăng gia, chăn nuôi ngày càng phát triển. Chính vì thế, việc ứng dụng các chế phẩm thân thiện với môi trường dựa trên hoạt tính sinh học cao, an toàn tuyệt đối, không độc, không mùi đặc trưng chất sát trùng diệt khuẩn sẽ góp phần tái lập môi trường trong sạch cho các đảo, điểm đảo. 

Do đó, chế phẩm được sử dụng là dung dịch polyme diệt khuẩn AD (Medipag-20)- hoạt chất diệt khuẩn dạng polyme muối cao phân tử từ Polyhexanmethylene Guanidine (PHMG) và bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv- Eco là chất phấn đá thiên nhiên CaCo3 96,2 %; các chất khác (Mg CO3, SiO2, Al2O3, Fe2O3, Na2O) 3,8% và nhiều vi lượng khác được chế tạo bằng công nghệ Đức. 

Đây là phương pháp tiên tiến, lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Nguyên lý của chế phẩm Medipag-20 có cơ chế diệt khuẩn rất cao ở nồng độ thấp, có khả năng hút các vi khuẩn vốn mang điện tích âm từ đó hình thành trên màng tế bào của vi khuẩn một lớp polyme làm ức chế khả năng trao đổi chất, phá hủy tế bào và ngăn cản sự phát triển và hình thành các tế bào mới. Do không có phản ứng hóa học, chế phẩm không hề độc hại, không gây nguy hiểm. Đối với cây trồng, chỉ cần xả xuống đất là có thể chống sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hoa quả sau thu hoạch, nhúng vào dung dịch rồi để khô là đã được diệt hết vi khuẩn.  

Kết quả bước đầu cho thấy, việc xử lý môi trường bằng hai chế phẩm của Trung tâm Vật liệu mới, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội tại Trường Sa Đông và Đá Tây cho thấy, chế phẩm này hoàn toàn phù hợp với các đảo của huyện đảo Trường Sa. Tại đảo Trường Sa Đông, sau một tháng sử dụng chế phẩm Medipag-20, khu vực chiến đấu 1 đã giảm mùi ẩm mốc tại các hầm hào, công sự và làm sạch, giảm thiểu khí CO2, CO… Ngoài ra, tại khu vực sinh hoạt của Cụm chiến đấu 1, các rãnh nước thải sinh hoạt, khu vực phía ngoài chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng giảm mùi hôi thối, đặc biệt giảm nhiều ruồi muỗi. Sản phẩm xử lý thải thu được trở thành phân bón cho cây trồng trên đảo.

Theo kỹ sư Bùi Công Khê, “trong thời gian tới, nếu dự án được tiếp tục triển khai sẽ cơ bản thay đổi môi trường sinh thái trên các đảo tại quần đảo Trường Sa; góp phần cải thiện sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ trên đảo, bảo vệ sức khỏe của chiến sỹ người dân sống trên đảo. Trung tâm Vật liệu mới cũng sẽ thống nhất với chỉ huy tàu Trường Sa 12 lắp đặt hệ thống máy lọc nước biển ra nước ngọt vào kế hoạch tới và thử nghiệm lắp đặt hệ thống phát trường điện từ để bảo quản thực phẩm trên tàu giữ độ tươi cho thực phẩm thay thế bảo quản bằng tủ lạnh.”

Minh Thành - Lan Hương