Sáng 3/10, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức hội thảo khoa học về “Công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương về lĩnh vực nội chính qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới - thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học và PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì hội thảo. Ảnh: A.Phước

Đề nghị miễn nhiệm hoặc buộc thôi việc với cán bộ né tránh, không dám làm

Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng Đặng Bá Cường quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Hiện nay đang tập trung tinh giản biên chế nhưng lại thiếu các quy định để kịp thời đưa ra khỏi bộ máy những người né tránh, trì trệ, không hoàn thành nhiệm vụ.

“Từ thực tiễn cơ sở, chúng tôi thấy vướng lắm. Có những người không làm được việc nhưng không dễ gì cho họ thôi giữ chức vụ hay đưa ra khỏi bộ máy. Vì muốn làm điều đó phải có 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng để 2 năm người đó không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị đó xem như là tan nát. Bởi vì cấp trên sẽ hạ thi đua ngay. Cho nên chúng tôi trở thành con tin của chính những người này”. 

Từ đó ông Cường chỉ ra điều bất hợp lý bằng hình ảnh: “Đội bóng của tôi vô địch, không có nghĩa là không có cầu thủ yếu kém. Nhưng khi vào chung kết đá thắng rồi nhưng do có cầu thủ yếu kém nên không được công nhận vô địch thì vô lý”.

Tương tự, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng cho rằng, trong đội ngũ có những người yếu kém nhưng tổ chức vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì càng phải được tôn vinh.

Từ đó, ông đề nghị Ban Bí thư ban hành chủ trương, Chính phủ ban hành quy định không hạ danh hiệu thi đua tập thể với những cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động phát hiện xử lý trách nhiệm, vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan mình.

Đồng thời, ông cũng đề nghị quy định việc miễn nhiệm hoặc buộc thôi việc với cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm, có phạm vi theo hướng đơn giản, kịp thời, không chờ phải 2 năm công tác không hoàn thành nhiệm vụ.

bannoichinh haiphong 811.jpg
Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng Đặng Bá Cường. Ảnh: T.H

Phân tích một số yếu tố tác động đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, PGS.TS Lê Minh Thông đề cập đến sự tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo ông Thông, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước nhận thức rõ những khuyết tật của nền kinh tế đang phát triển, những nguy cơ tham nhũng nảy sinh trong đời sống kinh tế và đã có nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt để phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế vẫn khá nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ án lớn, nghiêm trọng đưa ra xét xử thời gian qua đều liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu,…

Trong đó, phổ biến là tình trạng doanh nghiệp cấu kết, móc ngoặc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để nhận được ưu đãi, lợi thế cạnh tranh; doanh nghiệp móc ngoặc với người có quyền hạn để bảo kê doanh nghiệp, che giấu các hành vi trốn thuế, buôn lậu; doanh nghiệp sân sau của người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy Nhà nước; doanh nghiệp đưa hối lộ để chạy dự án, chạy điều tra sai phạm, chạy án…

Do vậy, theo ông Thông, công tác tham mưu chiến lược về phòng chống tham nhũng phải bám sát đời sống kinh tế thị trường, nhận diện kịp thời các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế; giữa doanh nghiệp và người có chức quyền trong bộ máy công quyền liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó để tham mưu giải pháp phòng chống tham nhũng phù hợp và kịp thời.

Phòng chống tham nhũng từ gốc để “lá ít rụng”, đỡ phải quét rác

Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An cho rằng, cần nhìn lại và có cách tiếp cận từ gốc, từ bản chất thì mới giải quyết được vấn đề tham nhũng hiện nay.

“Thực chất là gì, trụ cột ở đâu, nền tảng cơ bản để tiếp tục làm như thế nào? Theo tôi phải dựa vào nền tảng cơ bản, trụ cột thì mới xây cái bền vững được. Chứ không cứ làm nhiều, làm mạnh, làm mãi”, ông An đặt vấn đề.

Ông Phan Thăng An dùng hình tượng bài “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu để ví von về công tác phòng chống tham nhũng: “Tôi lắng nghe trên đường Trần Phú/ Tiếng chổi tre xao xác hàng me/Tiếng chổi tre đêm hè. Tiếng chổi tre giữ sạch lề, đẹp lối. Việc giữ sạch hè, đẹp lối giống như làm trong sạch bộ máy, hệ thống chính trị”.

Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An 

Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương phân tích thêm, thời nhà thơ Tố Hữu quét bằng chổi tre nhưng hiện nay đã ít dùng chổi tre để quét rác rồi mà dùng máy gom lại. Tương tự, phương pháp, hoạt động chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã có đổi mới, làm tăng năng suất phòng chống tham nhũng, “quét rác” hiệu quả nhanh hơn nhưng “cây lá vẫn rụng”. 

Vì vậy cần nhìn nguyên nhân để làm sao “lá ít rụng” để đỡ phải quét rác, còn “lá cây tự nhiên không thể không rụng”.

Do đó, ông An cho rằng, phải tiếp cận những nền tảng cơ bản, trong đó, có 3 nền tảng cơ bản để công cuộc này làm từ gốc là pháp luật, kinh tế, văn hóa. 

Theo đó, hoàn thiện xây dựng pháp luật chặt chẽ hơn dẫn đến không thể tham nhũng; pháp luật xử lý nghiêm sẽ dẫn đến không dám. Cùng với đó, kinh tế phải đẩy mạnh, nguồn thu tăng, chế độ chính sách cho công chức được nâng lên đảm bảo sẽ giải quyết vấn đề không cần tham nhũng. Vấn đề thứ 3 là giáo dục, văn hóa để xây dựng lòng tự trọng không muốn tham nhũng. 

“Nếu các hệ thống chính trị nghiên cứu vấn đề gốc từ 3 nền tảng cơ bản pháp luật, kinh tế, văn hóa, giải quyết 4 không (không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng) thì “lá rụng ít hơn”, đỡ phải quét để cứ giữ sạch lề, đẹp lối như tiếng chổi tre”, Phó Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, với chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương được Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, giao nghiên cứu đề tài khoa học trọng điểm về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương về lĩnh vực nội chính qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thực trạng vấn đề đặt ra và giải pháp.

Nghiên cứu sẽ góp phần tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn về công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua. Hội thảo không chỉ giúp Ban Nội chính Trung ương xây dựng hoàn thiện đề tài khoa học trọng điểm mà còn góp phần quan trọng làm sáng rõ những vấn đề lý luận thực tiễn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cải cách tư pháp, phục vụ tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Việt Nam và góp phần chuẩn bị cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Sự trung thực với Đảng nhìn từ việc kỷ luật ông Lê Đức Thọ

Sự trung thực với Đảng nhìn từ việc kỷ luật ông Lê Đức Thọ

Chúng ta đang bắt đầu chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, việc đánh giá, lựa chọn cán bộ là công việc hệ trọng và yêu cầu đầu tiên của những người được lựa chọn phải là sự trung thực trước Đảng và Nhân dân.