Trong 3 năm 2021-2023, toàn thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) có 476 hộ thoát nghèo. Năm 2024, địa phương được giao giảm 237 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo về 987, tương đương 2,39%.
Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của UBND thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) hồi tháng 6 cho thấy kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đến thời điểm hiện tại đạt và vượt so với kế hoạch giai đoạn 5 năm.
Theo đó, tổng số hộ nghèo đầu kỳ cuối năm 2021 là 1.700 hộ, tỷ lệ 4,2%; đến cuối năm 2023, số hộ nghèo còn 1.224 hộ, tỷ lệ 2,99%. Trong 3 năm, toàn thị xã Đức Phổ có 476 hộ thoát nghèo. Nhiều mô hình sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai tại địa phương này, giúp người dân có cơ hội vươn lên.
Hỗ trợ đúng nội dung người nghèo cần
Phường ven biển Phổ Quang hiện có 190 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hầu hết là ngư dân. Nhiều hộ nghèo ở đây còn khó khăn về vốn nên không có điều kiện trang bị phương tiện đánh bắt hải sản, khiến cuộc sống bấp bênh.
Cuối năm 2023 và năm 2024, 19 hộ dân gồm 4 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo, 1 hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện, có sức lao động được tham gia mô hình hỗ trợ ngư lưới cụ, mở ra cánh cửa hi vọng cho người dân nơi đây.
Các hộ dân được hỗ trợ cấp áo lưới và cấp giềng cột lưới, tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 514 triệu đồng từ nguồn vốn Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Theo đánh giá của UBND thị xã Đức Phổ vào tháng 6/2024, mô hình hỗ trợ ngư lưới cụ đã phát huy hiệu quả tích cực, ngư dân có điều kiện đánh bắt hải sản, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho một số hộ dân thuộc diện được hỗ trợ của dự án.
Không chỉ được cấp trang thiết bị đánh bắt hải sản, các hộ nghèo, cận nghèo còn được tập huấn về cách sử dụng lưới rê. Ngoài ra, ngư dân còn được hỗ trợ vay các nguồn vốn chính sách ưu đãi để thêm điểm tựa trên hành trình vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều ngư dân rất phấn khởi khi được hỗ trợ lưới đánh bắt hải sản, hàng tháng họ có thêm thu nhập để chăm lo đa chiều dịch vụ xã hội cho gia đình từ sức khoẻ, giáo dục, dinh dưỡng cho các con...
Cũng trong thời gian này, 91 hộ dân nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại 4 xã, phường gồm Phổ Phong, Phổ Thạnh, Phổ Ninh và Phổ Cường được tham gia mô hình chăn nuôi bò cái lai Zê bu sinh sản. Tổng cộng có 91 con bò được trao cho các hộ.
Lãnh đạo UBND thị xã Đức Phổ cho hay mô hình được đánh giá cao vì có ý nghĩa rất to lớn đối với các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời là nguồn động viên lớn lao về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Qua kiểm tra thực tế 90 hộ được nhận bò (1 hộ bò đã bị chết sau khi nhận bò), nhìn chung đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt. Theo giá thị trường hiện nay, mỗi con bê con 6 - 7 tháng tuổi có thể bán được khoảng 15 triệu đồng, là nguồn thu nhập khá cho các hộ.
Thực hiện Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thị xã Đức Phổ được phân bổ tổng nguồn vốn là hơn 6,2 tỷ đồng trong 3 năm (2022-2024), trong đó, riêng năm 2024 là gần 3 tỷ đồng. Với tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, địa phương được cấp hơn 2,6 tỷ đồng, riêng năm 2024 là hơn 1,1 tỷ đồng.
Năm 2024, thị xã Đức Phổ được giao giảm 237 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo về 987 hộ, tương đương 2,39%.
Việc giảm nghèo ngày càng khó khăn
Lãnh đạo UBND thị xã Đức Phổ cho hay, kết quả giám sát từ cộng đồng người dân trong tổ chức thực hiện từng chương trình (từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, nghiệm thu kết quả thực hiện và sử dụng kết quả thực hiện) cho thấy, hầu hết người dân tại các xã, phường đã tham gia vào công tác lập kế hoạch thực hiện chương trình hàng năm, tham gia đóng góp ý kiến liên quan đến công tác giảm nghèo và giám sát và hưởng lợi từ các dự án, tiểu dự án của Chương trình tại địa phương.
Theo ông Võ Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, việc giảm nghèo ngày càng khó khăn; kết quả thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hàng năm đạt được chỉ tiêu giao song chưa thật sự bền vững.
Hơn nữa, việc giải ngân các dự án, tiểu dự án đạt thấp, đặc biệt là tiểu dự án 1 dự án 4; dự án 7 khó giải ngân hết kinh phí. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ nghèo, cận nghèo còn trông chờ ỷ lại các chính sách của Nhà nước nên không muốn thoát nghèo.
Nguyên nhân của các tồn tại này được chỉ ra, trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay đa số là những hộ già yếu, bệnh tật,... không còn khả năng lao động hoặc hộ có khả năng lao động nhưng người phụ thuộc trong hộ lớn, gánh nặng chăm sóc cao; bên cạnh đó đa số hộ nghèo làm nông nghiệp nhưng điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, giá cả không ổn định, đau ốm, bệnh tật dẫn đến khả năng thoát nghèo bền vững là chưa cao và nguy cơ tái nghèo, tái cận nghèo.
Triển khai thực hiện Dự án 2 (Đa dạng hoá sinh kế), việc trao quyền cho cộng đồng dân cư cùng thực hiện, người viết dự án có trình độ giới hạn nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc xây dựng dự án. Cùng đó, việc thực hiện quay vòng vốn hỗ trợ là khó khăn đối với hộ nghèo.