Nỗ lực thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”

Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hội nghị khởi động Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, Phổ biến các nội dung Đề án OCOP; Tổ chức điều tra, thống kê đánh giá các sản phẩm truyền thống trên địa bàn…

Ngoài ra, các cấp, ngành cũng đã chú trọng nâng cao năng lực cán bộ bằng các hình thức tập huấn cho học viên là cán bộ phụ trách chuyên môn đến từ các sở ngành liên quan. Tổ chức đi học tập kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương điển hình.

{keywords}
Miến dong Bắc Kạn là một sản phẩm được ưa chuộng

Tổ chức lớp tập huấn xây dựng “Phương án kinh doanh”, về phát triển sản phẩm, về xây dựng chiến lược phát triển và thương mại hóa sản phẩm; Thủ tục hồ sơ hoàn thiện bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh thực phẩm, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm...

Từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã xây dựng 6 dự án hỗ trợ ngành nghề nông thôn để hỗ trợ cho 6 HTX mua sắm máy móc thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm. Hỗ trợ 6 đơn vị xây dựng website thương mại điện tử; thiết kế bao bì nhãn mác cho các HTX; hướng dẫn 10 tổ chức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; 42 cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác về đăng ký xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, mã số mã vạch truy suất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm.

Các cơ sở sản xuất thực phẩm cũng được hướng dẫn xây dựng chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Hai HTX được hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP về xây dưng các mô hình phát triển sản xuất với số kinh phí là 300 triệu đồng.

Chinh phục thị trường trong và ngoài nước

Đến cuối 12/2020, sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm “OCOP” có nhiều kết quả khả quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Theo đó, tỉnh Bắc Kạn đã có 107 sản phẩm “OCOP” của hơn 90 tổ chức, cá nhân tham gia. Trong đó, 99 sản phẩm đạt 3 sao và 8 sản phẩm đạt 4 sao và là địa phương đứng trong “Top” đầu cả nước về thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm “OCOP.

Sau khi thực hiện Đề án OCOP, nhiều sản phẩm hàng hóa đã trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như: Miến dong, tinh bột nghệ...

Một số sản phẩm đã được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tạo ra các dòng sản phẩm giá trị cao như: Trịnh Năng gừng, Trịnh Năng Curcumin, Vicumax - Nano curcumn, 15 sản phẩm tham gia OCOP sản xuất theo chuỗi giá trị. 100% các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có bao bì hoàn chỉnh, phù hợp, tiện dùng, đáp ứng các quy định của Nhà nước về nhãn hàng hóa có thể lưu thông ngoài thị trường...

Bắc Kạn cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước vận động, thành lập Hội Doanh nhân OCOP của tỉnh. Cách làm của Bắc Kạn được rất nhiều tỉnh, thành phố khác tới nghiên cứu, học tập.

Sản xuất các sản phẩm OCOP ở Bắc Kạn hiện đã vượt qua cả kỳ vọng ban đầu của tỉnh khi đã có sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản.

Từ sự khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, Công ty Misaki (Nhật Bản) đặt nhà xưởng chế biến tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới. Trong năm 2020, Công ty Misaki đã bao tiêu sản phẩm cho 294 ha cây mơ với sản lượng 1.975 tấn mơ quả và 260 ha gừng với sản lượng 7.414 tấn. Sản phẩm sau chế biến là mơ muối và gừng non được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Với những kết quả trên, Bắc Kạn đã nhận định, Chương trình OCOP tiếp tục sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả để thực hiện nhóm tiêu thí tăng thu nhập, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương, góp phần triển khai thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025.

Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện 131 sản phẩm đã đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh, có thêm 70 sản phẩm mới từ 3 sao OCOP cấp tỉnh. Tỉnh cũng phấn đấu có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao OCOP Quốc gia.

Bảo Phùng