Với chủ đề của 3 ngày Tết: “ Xuân đoàn viên”, “Xuân ước vọng”, “Xuân di sản” chuỗi chương trình “Tết Hà Nội” kết nối giữa nhiều địa điểm, nhiều câu chuyện nhân vật nhằm tái hiện sắc màu đặc trưng của Tết Hà thành. Ngoài việc phát sóng trên các loại hình báo chí truyền thống, các nội dung còn được phân phối đa dạng trên các nền tảng mạng xã hội Youtube, Facebook, Tiktok của Đài Hà Nội để phục vụ tối đa nhu cầu khán giả.
“Tết Hà Nội” ghi hình nhiều địa điểm, kết nối không gian và thời gian
Chương trình ngày 30 Tết của Đài Hà Nội được chia làm 3 khung giờ (sáng, chiều và tối). Trong khung giờ sáng từ 8h đến 11h30, các phóng viên của Đài Hà Nội đưa khán giả đến những địa danh nổi tiếng như Hồ Gươm, chợ hoa Hàng Lược, suối Yến - chùa Hương, làng cổ Đường Lâm… giúp người xem cảm nhận được không khí Tết khắp mọi ngõ ngách của Thủ đô. Trải qua năm tháng, màu của Tết nay đã đôi phần đổi thay so với Tết xưa.
Trong khung giờ thứ 2 của “Tết Hà Nội” (15h-17h), chương trình “Nhớ về Tết xưa” đưa khán giả ngược dòng thời gian về với không khí Tết của những tháng ngày xa xôi đó.
Hà Nội chiều 30 Tết, không khí xuân rộn rã trên khắp phố phường. Nhiều người vì những lý do khác nhau, đến chiều 30 Tết mới được trở về quê đón Tết cùng gia đình. Những chuyến xe cuối năm, dẫu êm ái hay nhọc nhằn, thong dong hay hối hả đều đong đầy khao khát trở về, nhớ nhung khắc khoải và có cùng điểm đến là “nhà”. Cầu truyền hình trực tiếp kết nốt 3 điểm bến xe Mỹ Đình, ga Hà Nội và sân bay Nội Bài ghi lại cảm xúc của những con người xa quê trở về trong ngày cuối cùng của năm Quý Mão.
Trong khung giờ thứ 3 (20h - 24h), từ S5, trường quay mới và hiện đại của Đài PT - TH Hà Nội, các vị khách mời GS.TS Vũ Minh Giang, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng sẽ có những phân tích, đánh giá về tình hình kinh tế, chính trị, ngoại giao của Thủ đô và đất nước, giúp khán giả có cái nhìn đa chiều về bức tranh toàn cảnh năm 2023.
Bên cạnh đó, ê kíp thực hiện chương trình cũng mong muốn tạo sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ khi đưa khán giả dạo một vòng Hà Nội tận hưởng không khí đón Tết. Từ Long Biên đến Mã Mây phố cổ chuẩn bị sửa soạn mâm cỗ Giao thừa. Từ Bát Tràng tìm hiểu ý nghĩa hình tượng con rồng trong nghệ thuật gốm sứ, tới làng cổ Đường Lâm hòa mình trong bầu không khí hương vị Tết xưa, Tết cổ truyền. Mỗi nơi, ta đều cảm nhận được không khí Tết với những sắc thái khác nhau.
Thay vì trong trường quay hay khán phòng, với không gian mở cho các chương trình ca múa nhạc chào Xuân, “Tết Hà Nội” góp phần làm giàu thẩm mỹ âm nhạc của khán giả với sự dàn dựng có chất lượng nghệ thuật - kết nối nhạc cụ cổ điển với những bản hòa tấu Xuân, từ những nét đặc sắc của các loại hình diễn xướng dân gian đến sự trẻ trung, hiện đại của những ca khúc mới.
Các chương trình này đều được phát đồng thời trên kênh Hà Nội 1, các kênh sóng phát thanh FM90, FM96, ứng dụng Hà Nội On và các nền tảng số Youtube, Facebook, Tiktok của Đài Hà Nội.
“Tết Hà Nội” - kết nối đa nền tảng
Không chỉ cảm nhận về Tết Hà Nội qua việc xem truyền hình hay nghe qua phát thanh, khán giả của Đài Hà Nội còn có thể có những trải nghiệm đọc và viết qua tuyến bài Emagazine của trang thông tin điện tử hanoionline.vn. Các bài viết đều là một mảnh ký ức về Tết Hà Nội xưa của chính những độc giả gửi đến ban biên tập.
“Ký ức Tết Hà Nội” là một chuyên mục nổi bật trong Tết 2024 với các Emagazine: Ký ức Tết ngọt ngào qua những bức ảnh Tết gia đình; Mùi của Tết; Mùa Tết trong tôi; Nhớ Tết đi chơi công viên; Tết đến cho ký ức trở về; Hoài niệm Tết xưa đã đưa khán giả về với Tết xưa của người Hà Nội. Tất cả đều mang nét rất riêng, đặc trưng mà ai đã từng trải qua đều khó có thể nào quên.
Tết với nhiều người Hà Nội xưa đôi khi đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, hương thơm của nước lá mùi già hay không khí cả nhà quây quần bên bếp củi trông nồi bánh chưng, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng…
Hơn cả những chương trình giải trí, “Tết Hà Nội 2024” là một hành trình tái hiện, truyền tải đầy tâm huyết, đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và hình thức góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị truyền thống của Tết Việt. Không chỉ trên nền tảng truyền hình truyền thống, toàn bộ các chương trình được phân phối trên các nền tảng số của Đài Hà Nội như ứng dụng Hà Nội ON, website hanoionline.vn, các ứng dụng Youtube, Facebook, Tiktok, Spotify, Apple Music…
Đó cũng chính là hệ sinh thái nội dung mà Đài Hà Nội cung cấp cho khán giả không chỉ hơn 10 triệu người Hà Nội có thể cảm nhận “Tết Hà Nội” với những giá trị giàu bản sắc trong tâm thức người Việt mà tất cả những ai muốn tìm đến, muốn khám phá, muốn kết nối đều có thể thụ hưởng những nội dung đặc sắc ấy trên các thiết bị thông minh của mình.
Khán giả có thể xem lại các chương trình của Đài Hà Nội trên website www.hanoionline.vn, ứng dụng Hanoi On hoặc kênh Youtube HTV – Đài Hà Nội.
Đậu Linh